Chia sẻ với bệnh nhân nghèo

Từ đầu tháng 6, sau khi viện phí tăng, dòng người xếp hàng nhận cơm từ thiện ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) đã dài thêm, kéo đến cả trăm mét. Các gia đình nghèo có con nằm viện đang canh cánh nỗi lo.
Chia sẻ với bệnh nhân nghèo

Từ đầu tháng 6, sau khi viện phí tăng, dòng người xếp hàng nhận cơm từ thiện ở Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) đã dài thêm, kéo đến cả trăm mét. Các gia đình nghèo có con nằm viện đang canh cánh nỗi lo.

Người nuôi bệnh xếp hàng nhận cơm từ thiện.

Người nuôi bệnh xếp hàng nhận cơm từ thiện.

Mong sao vẫn còn cơm

Dù nắng hay mưa, mỗi ngày vào khoảng 9 giờ sáng và 15 giờ chiều, cả ngàn người đang nuôi bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 lại đổ về con đường nội bộ gần căn tin bệnh viện để xếp hàng chờ nhận suất cơm từ thiện do Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa tặng.

Trong dòng người xếp hàng dài 100m, già có, trẻ có nhưng chung một hoàn cảnh khổ vì nhà nghèo, con cháu bệnh tật. Thật chạnh lòng khi nhìn những người với dáng lam lũ tất tả chạy lại xếp hàng, chốc chốc lại chạy ra hỏi những người đã lấy được cơm xem còn cơm hay không.

Chị Nguyễn Thị Chánh (ngụ tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) có con 4 tuổi đang bị u phổi điều trị tại đây, xếp cuối dòng người, lo âu nói: “Thằng bé đang sốt nên không thể ẵm ra đây được, tôi phải chờ các chị cùng phòng đi lấy cơm về phòng, rồi nhờ họ trông cháu, tôi mới ra xếp hàng được. Mong sao vẫn còn cơm”.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 luôn có trẻ nằm viện dài hạn, thời gian nằm viện nhiều hơn thời gian về nhà. Nhiều trẻ có “thâm niên” 3 - 5 năm. Có những trường hợp sinh ra đã phải nằm viện. Một đứa trẻ nằm bệnh viện là phải có ít nhất 1 - 2 người trông nom, vì vậy người lao động trong gia đình không thể đi làm kiếm tiền, mà còn phải tốn kém rất nhiều cho việc chi tiêu trong thời gian con em nằm viện.

Do vậy, khi hay tin tăng viện phí, không ít người có con em đang điều trị dài hạn đã òa khóc vì lo, vì thương người thân lại oằn vai làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí. Chị La Thị Tuyết Lan (ngụ xã Sơn Hòa, Bến Tre) có con bị teo đường mạch bẩm sinh, xơ gan giai đoạn cuối, nói trong nước mắt: “Gần 3 năm nay, cháu nằm miết ở bệnh viện, gia đình nội ngoại đều trắng tay, cố lắm mới cầm cự được đến lúc này.

Hiện mỗi tháng viện phí của cháu hơn 3 triệu đồng, giờ viện phí tăng nữa, không biết nhà lo nổi không. May là mấy năm nay, tôi đều ăn cơm từ thiện nên mỗi ngày cũng tiết kiệm được mấy chục ngàn đồng để lo cho cháu”.

Những bếp ăn từ thiện

Theo quy định, trẻ dưới 6 tuổi sẽ được miễn giảm phí khám chữa bệnh, nhưng với những đứa trẻ “ăn dầm nằm dề” trong bệnh viện thì vẫn còn hàng trăm khoản khác phải chi, như tiền giường, tiền dụng cụ y tế, phí sinh hoạt, ăn uống... đã đủ làm đôi vai cha mẹ, ông bà nặng gánh.

Là bệnh viện loại 1, chi phí ở Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng rất nhiều, chỉ riêng tiền giường đã tăng từ 10.000 đồng lên 60.000 đồng/ngày; ống dây truyền 18.000 đồng tăng lên 20.000 đồng/ống; mũi kim tăng từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng/mũi… Có những đứa trẻ vỡ hết ven vì điều trị lâu, rất khó lấy ven nên một ngày mất cả chục mũi là chuyện bình thường.

Nhiều gia đình tuy không quá khó khăn nhưng đợt tăng viện phí này cũng khiến họ hoang mang, dè sẻn hơn trong chi tiêu. Từ khi viện phí tăng, chị Phạm Khánh Hà (quê Đắk Lắk) có con chạy thận 4 năm nay, cũng đành bỏ cơm căn tin để ăn cơm từ thiện.

Chị Hà tâm sự: “Trước đây, chi phí bệnh viện ở mức gia đình gắng sức lo được nên tôi không lấy cơm từ thiện, để nhường những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Nhưng nay viện phí tăng cao quá, tôi cũng phải ra lấy cơm để đỡ phần nào chi phí”.

Thương hoàn cảnh của các gia đình có con đau bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 2, năm 1998, một số nhà hảo tâm đã lập ra bếp ăn từ thiện và được đặt ngay trong khuôn viên bệnh viện. Năm 2010, bệnh viện có quy hoạch nên bếp ăn phải di dời về Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa (thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM ở Hóc Môn).

Là người gắn bó với bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã 16 năm, cô Võ Tuyết Anh (hiện phụ trách điều hành của Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Nhơn Hòa) tâm sự: “Lúc bếp ăn di dời ra ngoài, gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi khóc, mọi người trong bệnh viện cũng khóc.

Vì quá yêu thương và gắn bó với bệnh nhân nên chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu đủ sức, đủ điều kiện để duy trì bếp ăn giúp bệnh nhân nghèo”. Cũng theo cô Tuyết Anh, kể từ sau ngày tăng viện phí, số người nhận cơm cũng tăng lên khoảng 300 người. Đến nay, mỗi ngày bếp ăn của chi hội nấu khoảng gần 3.000 suất ăn (1.500 suất ăn trưa và 1.200 suất ăn chiều) tặng bệnh nhân Bệnh viện Nhi đồng 2. Ngoài ra, mỗi ngày chi hội còn tặng Bệnh viện Hóc Môn khoảng gần 600 suất ăn và Trung tâm Dạy nghề khuyết tật Hóc Môn gần 300 suất ăn.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục