Premier League

Chiếm lĩnh toàn cầu

Chiếm lĩnh toàn cầu

Cách đây 35 năm, nhà toán học và khí tượng học người Mỹ Edward Lorenz đặt ra câu hỏi: “Liệu cái vẫy cánh của một con bướm ở Brazil có tạo thành một cơn lốc ở Texas hay không?”. Năm 2007, với sự “toàn cầu hóa” của Premier League, người ta có thể đặt lại câu hỏi ấy thành “liệu bàn đánh đầu của Thierry Henry vào luới Manchester United có tạo thành một trận bão ở Mumbai hay Lagos không?”.

Chiếm lĩnh toàn cầu ảnh 1

HLV Ferguson đã trở thành gương mặt quen thuộc trên toàn thế giới.

Căn cứ vào những diễn biến đầy kịch tính của cuộc đối đầu trên sân Emirates hôm Chủ nhật 21-1, câu trả lời là có. Riêng ở nước Anh, đã có 6 triệu người xem trực tiếp truyền hình trận cầu này. Ngoài nước Anh, trận Arsenal - Manchester United còn được truyền tới 201 quốc gia khác.

Ở vùng Ikeja, ngoại ô Lagos (Nigeria), một CĐV tên là Joe Nwokoye thổ lộ: “Tôi biết một trận đấu quan trọng như Arsenal đụng độ Manchester United thì ở Nigeria sẽ có nhiều người quan tâm. Vậy mà tôi vẫn thực sự ngạc nhiên khi nghe tiếng hò la bên nhà hàng xóm khi Henry ghi bàn quyết định thắng Manchester United 2-1.

Bạn có thể nghe tiếng la bay ra ngoài cửa sổ, vang động trên quảng trường hay ngoài phố xá, ở những điểm truyền hình công cộng”. Cũng theo Nwokoye, nhiều bạn bè của anh ta hâm mộ Arsenal vì đội bóng này có nhiều cầu thủ châu Phi, trong đó đáng chú ý nhất là Emmanuel Adebayor, một tiền đạo khoác áo đội tuyển Togo nhưng bố mẹ anh ta sinh trưởng ở Nigeria.

Thực sự, chẳng riêng gì trận Arsenal - Manchester mà nhiều trận khác nhỏ hơn cũng gần như không thể thiếu được đối với người hâm mộ trên toàn cầu. Thống kê cho thấy Premier League đã “vươn dài” đến 613 triệu hộ gia đình trên khắp thế giới, một trận đấu được truyền hình trực tiếp thu hút trung bình 79,5 triệu khán giả màn ảnh nhỏ. Nếu là một trận đấu đặc biệt, quy tụ những đối thủ lớn, con số ấy có thể tăng gấp đôi.

Đó là lý do vì sao trong một ngày trung tuần tháng 1 vừa qua, Premier League đã hãnh diện tuyên bố rằng họ đã bán được hợp đồng truyền hình 3 mùa giải 2007-2010 đuợc 625 triệu bảng Anh, tức là gấp đôi giá trị hợp đồng hiện hành.

Điều đáng nói là mua được bản quyền truyền hình Premier League đâu có dễ. Phải giành giật nhau thực sự, nhất là ở vùng Viễn Đông. Khi Premier League bắt đầu “mở thầu” truyền hình nước ngoài vào tháng 9 năm ngoái, có tới 450 đơn vị nhảy vào với mong muốn giành được những bản hợp đồng truyền hình bóng đá Anh tới 208 quốc gia trên thế giới. Tổng cộng, có 81 hợp đồng bản quyền truyền hình riêng rẽ được ký kết trực tiếp giữa Premier League với các hãng truyền hình.

Nhỏ nhất trong số đó là hợp đồng của Fiji TV, họ mua bản quyền truyền hình cho Fiji (dân số chỉ vào khoảng 900.000), Vanuatu và một vài hòn đảo nhỏ trên Thái Bình dương. Lớn nhất là hợp đồng của ESPN Star, phủ sóng truyền hình bóng đá Anh từ Macau tới Maldives, từ Ấn Độ tới Pakistan.

Những hợp đồng lớn khác có thể kể đến bao gồm C-more Entertainment ở vùng Bắc Âu, Showtime ở vùng Trung Đông. Premier League không tiết lộ đơn giá của từng hợp đồng ấy, nhưng trung bình bèo nhất cũng phải là 7 triệu bảng Anh một hợp đồng. Còn giá trị những hợp đồng truyền hình phủ sóng nhiều quốc gia có thể lên đến hàng chục triệu.

Ở Thái Lan, truyền hình UBC (truyền hình trả tiền) phải mất đến 6 vòng đàm phán mới giật tranh được bản quyền của ESPN Star. Ở Hong Kong, truyền hình PCCW đã thắng được I-Cable bằng cách trả tới 10 triệu bảng Anh mặc dù họ chỉ truyền hình cho một vùng lãnh thổ có 7 triêu dân. Ở Iceland, bản quyền truyền hình Premier League 2007-2010 thuộc về tập đoàn phát thanh truyền hình Icelandic Broadcasting Corporation.

Trước năm 2004, IBC cũng giữ bản quyền ấy. Nhưng từ 2004 đến nay, IBC mất bản quyền về tay Icelandic Television Co vì họ quá chủ quan, tưởng là sẽ có một hãng khác mua đuợc và sang nhượng lại cho họ. Năm 2004, một quan chức IBC đã vội vã nhảy lên máy bay sang London để đấu tranh, đòi được đấu thầu muộn. Lúc ấy, ông ta bị từ chối, nhưng bây giờ thì thành công rồi.

Còn châu Phi thì sao? Sự can thiệp của một chính khách có cỡ đã dẫn đến cơ cấu mới về bản quyền truyền hình Premier League cho châu Phi. Theo hợp đồng hiện hành thì truyền hình Supersport độc chiếm châu Phi. Nhưng hợp đồng 2007-2010 sẽ được chia ra nhiều hãng khác nhau và sẽ miễn phí chứ không phải trả tiền như Supersport hiện tại. Rõ ràng các chính trị gia Anh quốc đang muốn ưu đãi thế giới thứ ba.

Tiến Minh (theo báo nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục