Trong kế hoạch tác chiến 2 năm 1975-1976, Trị Thiên và Khu 5 là hướng quan trọng có nhiệm vụ phối hợp với hướng chủ yếu Tây Nguyên.
Cùng thời điểm của Chiến dịch Tây Nguyên, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 của ta cũng đồng loạt nổ súng mở màn Chiến dịch Xuân Hè, đánh địch ở phía Bắc thuộc Quân đoàn 1, Quân khu 1 ngụy.
Trên hướng Trị Thiên, từ ngày 15-3, các lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và một bộ phận của Quân đoàn 2 hoạt động mạnh ở vùng Phú Lộc, Phú Thứ làm chủ 13 xã, giải phóng trên 30.000 dân thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà; vây địch ở cao điểm 367, đánh địch ở động Ông Do, An Lỗ, Lăng Cô; chiếm cứ điểm Chúc Mao, An Sơn.
Ngày 18-3 quân địch ở thị xã Quảng Trị đã bỏ chạy về Huế. Tuyến phòng thủ phía Bắc của địch bắt đầu đổ vỡ. Địch ở Thừa Thiên rối loạn, hoang mang. Thừa thắng, lực lượng vũ trang Quảng Trị kịp thời chuyển sang tiến công truy kích địch, giải phóng phần còn lại của tỉnh trong ngày 19-3-1975.
Theo dõi mọi diễn biến trên chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Địch đang thực hiện co cụm chiến lược lớn, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh. Do vậy cần tập trung lực lượng tiêu diệt Quân đoàn 1 ngụy, không cho chúng chạy về Sài Gòn. Tiếp đó Bộ Tổng tham mưu điện chỉ thị: “Quân khu Trị Thiên gấp rút đưa lực lượng xuống đồng bằng. Quân đoàn 2 phải nhanh chóng tiêu diệt quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt đường số 1… không cho địch rút bỏ vùng Bắc Huế một cách an toàn về co cụm ở Đà Nẵng”.
Nhận được mệnh lệnh tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 nhanh chóng chuyển hướng sang thực hiện kế hoạch thời cơ.
Ngày 21-3, trên chiến trường Trị Thiên và Quảng Nam – Quảng Ngãi, quân ta đồng loạt nổ súng thực hiện chia cắt Huế với Đà Nẵng, tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh ngụy, giải phóng Thừa Thiên - Huế; đồng thời tiêu diệt Sư đoàn 2 bộ binh địch giải phóng Tam Kỳ (Quảng Nam) và tỉnh Quảng Ngãi. Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn 18, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 324) cùng lực lượng của Quân khu Trị Thiên đã chuyển từ thế trực tiếp tiếp xúc với địch sang thế bao vây chia cắt, cô lập tiêu diệt từng bộ phận lực lượng địch.
Ngày 22-3, Lữ đoàn Pháo binh 164 Quân đoàn 2 đã đưa một đại pháo Đ74 ra bố trí trận địa tại ngã ba La Sơn, chuẩn bị đánh chặn quân địch chạy ra biển theo hướng Tư Hiền và cửa Thuận An.
Từ ngày 23-3, pháo binh Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên tập trung bắn mãnh liệt vào các khu căn cứ của Sư đoàn 1 ngụy (đồn Mang Cá), Sư đoàn thủy quân lục chiến, sân bay Phú Bài…, và bám chặt các con đường rút chạy của địch.Toàn bộ quân địch tháo chạy ra biển bị hỏa lực pháo của ta làm tan tác.
Ngày 24-3, ở Quảng Ngãi, các Tiểu đoàn 6 (Lữ đoàn 52), Tiểu đoàn 405, 408 đặc công, Tiểu đoàn 7 địa phương được sự chi viện của xe tăng, pháo binh đã đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở ngoại vi Quảng Ngãi, bịt cửa sông Cổ Lũy. Tiểu đoàn 20 cùng lực lượng vũ trang địa phương đánh chiếm quận lỵ Nghĩa Hành. Quân và dân hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ đánh tan hai tiểu đoàn bảo an và một bộ phận hậu cần của Trung đoàn 4 ngụy, giải phóng quận lỵ vào sáng ngày 25-3.
Sáng 25-3, Trung đoàn 101 – Trung đoàn Cao Vân, đứa con chủ lực đầu tiên của Thừa Thiên - Huế cùng Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 từ phía Nam, các đơn vị của Quân khu Trị Thiên từ phía Bắc đồng loạt tiến vào giải phóng thành phố Huế.
Như vậy đến ngày 26-3-1975, toàn bộ Thừa Thiên - Huế, tỉnh Quảng Ngãi được hoàn toàn giải phóng.
Tổ Tư liệu – Thư viện (tổng hợp)