Chiến khu Hòa Mỹ

Nằm cuối nhánh đường 71 của đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm TP Huế khoảng 40km, Hòa Mỹ (thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) là một vùng núi rừng, khe suối rộng lớn dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, thuận lợi cho việc bảo toàn, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.
Chiến khu Hòa Mỹ

Nằm cuối nhánh đường 71 của đường Hồ Chí Minh, cách trung tâm TP Huế khoảng 40km, Hòa Mỹ (thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) là một vùng núi rừng, khe suối rộng lớn dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, thuận lợi cho việc bảo toàn, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.

Năm 1946, Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế chọn nơi đây làm chiến khu cách mạng trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi mặt trận Huế vỡ vào năm 1947, Trung đoàn Trần Cao Vân về đây đóng quân, củng cố, bố phòng và phân ranh, phân tuyến chiến khu thành 7 tiểu chiến khu. Mỗi tiểu chiến khu có một đơn vị đóng quân và được liên kết chặt chẽ qua công tác giao liên.

Bia đồn Đất Đỏ ghi nhận chiến thắng đánh Pháp đầu tiên của quân dân Thừa Thiên – Huế.

Bia đồn Đất Đỏ ghi nhận chiến thắng đánh Pháp đầu tiên của quân dân Thừa Thiên – Huế.

Chiến khu Hòa Mỹ xưa giờ vẫn còn đó những địa danh lịch sử đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng như Nhà Đại chúng - nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong kháng chiến, cũng là nơi hội họp của bộ đội. Đình Lưu Hiền Hòa - nơi Bộ chỉ huy Trung đoàn 101 họp bàn kế hoạch đánh đồn Đất Đỏ của Pháp vào ngày 29-3-1947. Tại đây hiện có bia chiến thắng đồn Đất Đỏ ghi nhận trận chiến đấu chống Pháp đầu tiên của quân dân Thừa Thiên – Huế vào chiều 29 đến rạng sáng 30-3-1947. Ở trận đánh này bộ đội ta đã đánh chiếm tiền đồn án ngự đường vào chiến khu Hòa Mỹ diệt gọn một trung đội lính bộ binh sơn cước tinh nhuệ của Pháp.

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, ưu tư: Kể từ khi được công nhận đến nay, vẫn chưa có sự đầu tư nào để chỉnh trang, hoàn thiện các khu vực di tích. Thực tế, di tích không chỉ bị bỏ hoang, cỏ mọc đầy, mà còn bị xâm phạm… Chiến khu Hòa Mỹ còn có một di tích lịch sử đặc biệt gắn liền với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia từ năm 1991, đó là đường Hồ Chí Minh đoạn cuối đường 71. Con đường này do trung đoàn công binh Quân khu Trị Thiên thi công năm 1971 và trong chiến dịch tổng tấn công mùa xuân năm 1975 là hướng để tấn công của quân giải phóng vào Nam Quảng Trị, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế vào ngày 26-3-1975. Di tích cấp quốc gia này cũng đang ở trong tình trạng xuống cấp theo thời gian… Ông Thọ cho biết thêm, ngoài các di tích thuộc chiến khu Hòa Mỹ đã được công nhận, địa phương còn nhiều khu vực có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái lý tưởng như Khe A Dong, Khe Me; tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Pa Cô, Pa Hy, Vân Kiều; tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền… Trong đề án xây dựng nông thôn mới, địa phương đã lập ra hướng ưu tiên chỉnh trang, khôi phục lại hệ thống di tích tại chiến khu Hòa Mỹ; hoàn thiện hệ thống giao thông phục vụ tour du lịch về nguồn để thu hút khách du lịch. Hướng đã có, nhưng làm cách nào thì địa phương còn đang loay hoay, chưa xoay ra được kinh phí.

Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục