Tuy nhiên, Tổng thống Pháp thừa nhận cần xây dựng một chiến lược mới cùng các đối tác khu vực để “điều chỉnh trạng thái, quy chế và sứ mệnh” của các căn cứ quân sự Pháp tại châu Phi.
Theo giới quan sát, ông Macron đã ám chỉ rằng chiến lược của Paris trong tương lai sẽ được xây dựng trên cơ sở hợp tác chặt chẽ hơn với quân đội các nước châu Phi, nhằm đảm bảo lực lượng Pháp được triển khai một cách cơ động và gọn nhẹ hơn, dựa vào vũ khí của nước sở tại.
Ông cho biết vẫn còn khoảng 3.000 binh sĩ Pháp ở lại khu vực như Burkina Faso, Chad và Niger. Nhưng, “các can thiệp của chúng tôi nên có giới hạn thời gian tốt hơn từ lúc bắt đầu. Chúng tôi không muốn tiếp tục tham gia vào các hoạt động ở nước ngoài vô thời hạn”, Tổng thống Macron khẳng định.
Tại thời điểm cao điểm, Chiến dịch Barkhane có khoảng 5.500 binh sĩ Pháp được triển khai ở Mali, Niger, Chad, Burkina Faso và Mauritania. Truyền thông Pháp nhận định, thông báo này cũng thể hiện sự thay đổi lớn trong các ưu tiên của Pháp, do cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi nhận thức về các mối đe dọa quan trọng nhất mà nước này phải đối mặt. Trong bài Đánh giá Chiến lược Quốc gia mới, Bộ Quốc phòng Pháp mô tả sự phá vỡ trật tự thế giới hiện nay đòi hỏi các biện pháp quân sự mới.
Bên cạnh đó, chuyến công du hồi tháng 7 của Tổng thống Pháp đến 3 nước châu Phi gồm Cameroon, Benin và Guinee - Bissau Emmanuel ngay sau khi tái đắc cử cho thấy ông Macron dành sự ưu tiên rất lớn về việc tái thiết vị thế của Pháp tại châu Phi. Một trong những nội dung trọng tâm trong chuyến công du này cũng là vai trò quân sự của Pháp tại châu Phi.
Cuộc xung đột ở Ukraine kéo theo nhiều cuộc khủng hoảng khác (lương thực, kinh tế…), khiến trật tự thế giới có nhiều biến động. Trong đó, làn sóng cực đoan tẩy chay Pháp ngày càng gia tăng, nhất là tại Mali, Chad và Cộng hòa Trung Phi. Vậy nên, sự hiện diện quân sự của Pháp ở châu Phi sẽ là bài toán khó đối với ông Macron trong nhiệm kỳ thứ 2 này