Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần xem xét việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp là chiến lược phát triển nền kinh tế quốc gia; đồng thời đẩy nhanh đưa luật vào cuộc sống.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần tháo gỡ thủ tục và phối hợp hỗ trợ để phát triển. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tháo gỡ thủ tục
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Monaco (chuyên về tư vấn và đầu tư), thì nội dung trong luật rất hay. Ít thấy luật nào đưa vào đó các chỉ số cụ thể như trong dự thảo luật lần này. Thế nhưng, ông Minh cũng đặt câu hỏi: “Các chỉ số này đã thực sự đi vào cuộc sống hay chưa? Vì DN lo ngại “ăn được bát cháo lội ba quãng đồng”, tức là phải mất nhiều khoản phí phi chính thức hơn so với khoản được Nhà nước hỗ trợ”. Dẫn chứng của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, DN nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm 97% tổng số DN, tương đương trên 500.000 DN, nhưng chỉ khoảng 30% - 40% trong số này có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Vướng mắc trong việc tiếp cận vốn có liên quan tới các rào cản “ngáng chân” DN.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, góp ý cần quan tâm hỗ trợ DN đến nơi đến chốn. Cần thống nhất quan điểm phát triển DN nhỏ và vừa là một bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, chứ không có nghĩa Nhà nước hỗ trợ cho một bộ phận yếu thế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của họ. Cần quan tâm tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, bởi thực chất đó là chức năng của DN nhỏ và vừa. Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy, có 4 nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt gồm tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường. Đây là 4 nhóm chính Nhà nước cần hỗ trợ. Về việc Quỹ Bảo lãnh tín dụng bắt DN thế chấp, Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định rằng các quỹ này chẳng khác nào tiệm cầm đồ cao cấp, hoạt động không hiệu quả. Do vậy, nên cân nhắc đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng, phải chế định cụ thể quyền và nghĩa vụ “tay ba”: người vay, tổ chức tín dụng cho vay và quỹ bảo lãnh, trong đó quy định rõ Quỹ Bảo lãnh tín dụng không cần phải thế chấp. Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, chính quyền địa phương hoặc vùng đóng vai trò chủ yếu hỗ trợ trực tiếp DN nhỏ và vừa chứ không phải chính quyền trung ương. Tuy vậy, trong dự thảo luật, vai trò chính quyền địa phương còn khá mờ nhạt nên cần được quy định rõ hơn; tạo điều kiện cho địa phương nâng cao tính tự chủ, sáng tạo trong việc hỗ trợ DN.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Hỗ trợ DN thuộc Bộ KH-ĐT, nói DN nhỏ và vừa là chân đế, tạo sự gắn kết phát triển nền kinh tế quốc gia. DN tạo giá trị gia tăng rất cao. Các quốc gia phát triển đều thấy được điều này và Việt Nam cũng vậy. Quá trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp không mang tính bao cấp, dàn đều; DN được chọn hỗ trợ là DN chiến thắng (phải có tiềm năng phát triển, định hướng phát triển…). Đó là tinh thần của luật. Đối với ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, thì luật cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ thủ tục, chính sách theo hướng càng đơn giản càng tốt. Việc hỗ trợ về tài chính là điều cần thiết, nhưng DN quan tâm, trông chờ nhiều hơn ở sự cải cách về thủ tục hành chính…
Phối hợp hỗ trợ
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng luật nằm rải rác ở nhiều cơ quan, bộ ngành, mỗi bộ “một mẩu”. Mỗi cơ quan chọn một nhóm DN khác nhau. Nhưng một DN muốn cạnh tranh trên thị trường cần sự hỗ trợ tổng lực của tất cả các bộ ngành này. Việc hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sẽ nhất thể hóa những điều trên, tạo động lực hỗ trợ DN.
Dự thảo luật dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7-2016 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV. Trong đó, mục tiêu của luật được xây dựng nhằm đưa ra cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho DN nhỏ và vừa, thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ. Việc hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế đất nước, lợi thế từng địa phương, nguồn lực quốc gia; từ đó, tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của DN nhỏ và vừa. Đồng thời, luật cũng xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nâng cao hiệu quả điều phối, giám sát hoạt động hỗ trợ DN.
Một số nội dung hỗ trợ cơ bản cho DN nhỏ và vừa nêu ra trong dự thảo luật như: Các ngân hàng thương mại khi đạt được tỷ lệ dư nợ tối thiếu cho DN nhỏ và vừa là 30%, hoặc cho DN nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển của DN, thì được hưởng các hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Một số ưu đãi cụ thể như thực hiện các biện pháp tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chiết khấu, tái cấp vốn; khoanh nợ và xử lý rủi ro; trích lập dự phòng… Để giúp DN nhỏ và vừa thực hiện hợp đồng hoặc đơn đặt hàng cung cấp các sản phẩm dịch vụ công, dự thảo luật cũng đưa ra quy định cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công dành tỷ lệ tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DN vừa và nhỏ sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảm thuế suất thuế thu nhập DN 5% trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ khi DN bắt đầu có hoạt động sản xuất kinh doanh…
Ông Đặng Huy Đông nhấn mạnh, nhiều người cho rằng DN nhỏ và vừa của nước ta nhiều (97%) và toàn… thuyền thúng. Nhưng con số này hoàn toàn bình thường. Bằng chứng, tại một số nước phát triển, trong đó có Nhật Bản, tỷ lệ DN nhỏ và vừa là 99,7%. Luật hỗ trợ ra đời nhằm tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Một xã hội ai cũng có việc làm là một xã hội ổn định. Thực tế cho thấy, các DN nhỏ và vừa rất cạnh tranh, sẵn sàng “lấy công làm lãi”…
THI HỒNG