Chiến thắng Điện Biên Phủ: Giai điệu hào hùng

Có khá nhiều ca khúc viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, trong đó có 4 tác phẩm có thể xem là bất hủ, sống mãi theo thời gian, một của nhạc sĩ Hoàng Vân và chùm ba bài của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Giai điệu hào hùng

Có khá nhiều ca khúc viết về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, trong đó có 4 tác phẩm có thể xem là bất hủ, sống mãi theo thời gian, một của nhạc sĩ Hoàng Vân và chùm ba bài của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

1. - Khi nghe câu hát Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo…, ta như thấy hiện ra trước mắt hình ảnh các chiến sĩ gò lưng kéo pháo, nhích dần từng tấc một, ngược lên đỉnh dốc núi cao hàng ngàn mét. Đó là câu mở đầu của bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Là một chàng trai Hà Nội, tham gia kháng chiến từ tuổi thiếu niên, rồi đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Năm 1953, Hoàng Vân được điều lên Tây Bắc công tác tại Phòng chính trị Sư đoàn 312 ở chiến trường Điện Biên Phủ. Do có năng khiếu âm nhạc, Hoàng Vân đã từng sáng tác một số bài hát phục vụ bộ đội, nhưng đáng chú ý nhất là đến cuối năm 1953 đầu năm 1954, khi công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu, bộ đội, dân công, vũ khí, lương thực, thực phẩm ùn ùn ra chiến trường và bài Hò kéo pháo ra đời trong bối cảnh đó, bắt đầu làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Nhạc sĩ Hoàng Vân.

Tận mắt chứng kiến cảnh bộ đội kéo pháo nặng hàng tấn bí mật đưa vào trận địa với muôn vàn hiểm nguy trong tiếng Hò dô ta… nào! Hai ba… nào!, rồi lại nghe tiếng gà rừng gáy sáng tưởng tượng như tiếng kèn mừng chiến thắng, tất cả những hình ảnh ấy đã tạo cho Hoàng Vân cảm xúc sáng tác nên ca khúc nổi tiếng Hò kéo pháo. Bài hát nhanh chóng được chiến sĩ trên chiến trường hưởng ứng, kịp thời phục vụ bộ đội pháo binh non trẻ Việt Nam góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Từ đó đến nay, ca khúc Hò kéo pháo luôn luôn là nguồn động viên, cổ vũ lòng phấn khởi, tự hào, quyết tâm của quân đội và nhân dân ta vượt muôn ngàn gian khổ để chiến thắng kẻ địch là những tên đế quốc lớn.

2. - Đỗ Nhuận thuộc lớp nhạc sĩ có may mắn sớm được tiếp xúc với phong trào cách mạng và yêu nước. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ trước 1945, từng bị tù đày. Sau 1945, ông là nhạc sĩ quân đội, từng có ca khúc lúc 18 tuổi và từ đó liên tục sáng tác âm nhạc cho đến cuối đời. Trong kháng chiến chống Pháp, sáng tác nổi tiếng nhất của ông là chùm ba bài viết trong chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại: Hành quân xa (1953), Trên đồi Him Lam (1954), Chiến thắng Điện Biên (1954).

Năm 1953, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng hành quân với một đơn vị bộ đội từ Thái Nguyên qua sông Hồng sang địa phận Yên Bái. Chiến sĩ trong đơn vị có nhiều thắc mắc: Không hiểu sắp tới sẽ đánh ở đâu? Có lẽ hành quân nghi binh rồi quặt xuống đồng bằng chăng? Cán bộ chính trị biết rõ các thắc mắc này của chiến sĩ, trong đó có cả nỗi băn khoăn của Đỗ Nhuận, nên đã động viên mọi người: “Đời chiến sĩ đâu có giặc là ta cứ đi!”. Một đồng chí cán bộ nói với Đỗ Nhuận: “Nếu có được một bài hát cho nhiều chiến sĩ hát để tin tưởng vào cấp trên, yên tâm chấp hành mệnh lệnh, thì hay quá!”. Ông thấy đề tài này tuy hay mà khó, nhưng vẫn cố gắng suy nghĩ tìm cách thể hiện trong sáng tác. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhớ lại trên con đường này, ông và các chiến sĩ cách mạng từng bị xích tay đi tù, nay lại cùng bộ đội đi giải phóng quê hương. Ông lại nghĩ đến bà con trong vùng giặc chiếm đang chờ mong bộ đội đến giải phóng. Với cảm xúc dâng trào, ông vừa đi vừa sáng tác, ký âm bằng nhạc số dưới ánh trăng. Thế là bài hát Hành quân xa ra đời, được phổ biến rộng rãi trong các đơn vị bộ đội đang hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ. Giới âm nhạc ghi nhận đây là khúc quân hành Việt Nam đầu tiên đậm đà màu sắc dân tộc.

3. - Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 13-3-1954 chiến dịch Điên Biên Phủ mở màn. Quân ta bắt đầu tiến công địch ở phân khu Bắc, có hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập.

Khi Ban chỉ huy phổ biến kế hoạch đánh Him Lam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng được phép vào nghe. Ông kể lại: Khi xuất phát, trời mưa tầm tã. Bộ đội ta, tiểu liên ngang ngực, bộc phá vác trên vai, lội bì bõm dưới giao thông hào bí mật tiến về hướng chân đồi Him Lam. Ông và một số văn nghệ sĩ quân đội phải căng vải ni lông lên để che mưa, hòa đàn tiễn bộ đội đi qua.

Trận đánh diễn ra trong đêm. Ta cắm cờ trên đồi Him Lam. Khi trời sáng, cao xạ pháo đặt gần hầm của Đỗ Nhuận liên tục nhả đạn. Hai máy bay địch bị bắn rơi, ông nhìn thấy hai đống lửa cháy ngùn ngụt, khói bốc lên đen đặc. Từ 3 giờ chiều đến 6 giờ tối, nhiều thương binh liên tục được cáng đi ngang qua hầm của Đỗ Nhuận. Ông xúc động nhìn những gương mặt quen thuộc, bê bết máu. Trận chiến thắng oanh liệt mở đầu bằng con đường máu. Đỗ Nhuận bắt đầu tư duy sáng tác trong hầm hàm ếch từ chập tối dưới ngọn đèn nhỏ leo lét. Ca khúc ra đời ở đó với giai điệu mang âm hưởng dân ca khu Bốn liên kết với dân ca khu Ba. Đỗ Nhuận đã khéo léo pha trộn giữa hai điệu thức 5 cung Sol và Rê để mở rộng cho âm nhạc có đất phát triển lên 7 cung. Đây là một sáng kiến táo bạo trong sáng tác ca khúc có màu sắc dân tộc.

Trong lễ tổng kết chiến thắng Him Lam, Đỗ Nhuận cất tiếng hát bài Trên đồi Him Lam được mọi người hoan nghênh nồng nhiệt. Đồng chí chính ủy đơn vị thay mặt Ban chỉ huy đã tặng ông cây đàn guitare chiến lợi phẩm lấy được trong đồn Him Lam.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

4. - Chiều ngày 7-5-1954, tại chiến trường Điện Biên Phủ, quân ta vượt qua cầu Mường Thanh tiến công vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Pháp De Castries và cả bộ tham mưu của chúng. Gần một vạn quân địch kéo nhau ra hàng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngay trong giờ phút hân hoan, phấn khởi tột cùng này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị cũng có mặt tại Mường Phăng, nơi đây có Chỉ huy sở mặt trận Điệân Biên Phủ. Sau này, ông kể lại: Anh em văn công quân đội đang cuốc, rải đá làm đường, thì một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tất cả mọi diễn viên trong đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần nhạc đệm. Còn Đỗ Nhuận cứ nhảy một mình, tít thò lò, trong đầu phảng phất câu: “Giải phóng Điện Biên…”. Đêm hôm đó, Đỗ Nhuận ngồi sáng tác trên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm suốt sáng dưới ánh lửa nhà sàn. Ông cầm chiếc đàn violon, tay búng búng vào giây đàn, miệng cứ i ỉ nho nhỏ, sợ ồn làm anh em thức giấc, rồi vừa sáng tác vừa ăn sắn lùi. Sáng hôm sau, ca khúc Chiến thắng Điện Biên hoàn thành. Trong bài, ngoài chất Tây Bắc, còn có cả âm hưởng của điệu “Sắp qua cầu” trong hát Chèo, vì theo Đỗ Nhuận bối cảnh trận chiến thắng này diễn ra trên đất Tây Bắc, đồng thời cần phải hòa sắc dân tộc miền đồng bằng vì niềm vui chiến thắng này là của cả nước. Thật ra khi trận chiến chưa kết thúc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có lần nói riêng với nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Đỗ Nhuận chuẩn bị sáng tác bài ca Chiến thắng Điện Biên đi!”. Và từø lúc đó, ông đã có bước chuẩn bị, suy nghĩ tìm chất nhạc, tìm mô-típ, tìm nội dung cho bài ca.

Lễ chiến thắng được tổ chức giữa bãi rộng, gần cánh rừng ở chiến trường. Bài hát Chiến thắng Điện Biên vang lên hào hứng, phấn khởi. Chiến thắng Điện Biên Phủ đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta, trong đó nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một “chiến sĩ cầm đàn” được lớn lên trong hàng quân, lớn lên cả về tư duy trong bút pháp sáng tác âm nhạc.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục