Làng đá mỹ nghệ Non Nước, bánh khô mè Cẩm Lệ và chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, Hòa Vang) được xem là những làng nghề truyền thống lâu đời của Đà Nẵng. Thế nhưng, trong khi 2 làng nghề kia ăn nên làm ra, chiếu Cẩm Nê đang như “ngọn đèn trước gió”. Một làng nghề bề dày lịch sử hàng trăm năm và sôi động ở thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước, nay đứng trước nguy cơ xóa sổ hoàn toàn.
- Một thời rực rỡ
Nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa truyền vào miền Nam khoảng thế kỷ 15, lúc vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành, sáp nhập thành Đồ Bàn vào Quảng Nam - Đà Nẵng.
Chiếu Cẩm Nê từ lâu nổi tiếng với các loại chiếu hoa truyền thống, từng hiện diện ở nội triều các vua nhà Nguyễn. Những nghệ nhân chiếu Cẩm Nê xưa cũng từng được các triều đại vua sắc phong, ban thưởng.
Theo nghệ nhân Phan Trà (80 tuổi), bằng những nguyên liệu đơn giản như lát (cói), đay và với một khung dệt kết cấu tinh tế, mỹ thuật, nghệ nhân làng Cẩm Nê đã cung cấp trong Nam, ngoài Bắc những tấm chiếu hoa đủ cỡ với những hoa văn trang trí đẹp.
Chiếu hoa Cẩm Nê có ưu điểm dày hơn, bền hơn, nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Đặc biệt mùa hè nóng bức, nằm trên chiếu Cẩm Nê cảm được cái mát lạnh và vào mùa đông chiếu tỏa ra hơi ấm cùng với mùi hương đồng cỏ nội thơm dịu.
Ông Phan Tấn (một nghệ nhân của làng), nhớ lại: “Khoảng những năm 1980. Mỗi tháng tôi thu gom hàng 1 lần chở vào tận Sài Gòn, Phan Thiết, ra tận ngoài Bắc, thậm chí ra các đảo ở Khánh Hòa hay Phú Quốc để bán. Khi biết chiếu Cẩm Nê, người dân đổ xô đến mua rất nhiều. Đặc biệt ở Huế, hàng sản xuất không kịp bán. Lúc ấy, cả làng Cẩm Nê rực đỏ sắc màu bởi lát, đay nhuộm đủ màu, đem phơi khắp ngõ xóm. Lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, tiếng khung dệt. Còn bây giờ…”.
Ông Tấn bần thần nhìn khung dệt chiếu bỏ đã mấy năm nay ngoài cái chòi sau bếp. Bà Huỳnh Thị Đích (vợ ông Tấn) thêm vào: “Thời đó, làng có khoảng 450 hộ thì đến 90% làm nghề dệt chiếu, được xem làng nghề khấm khá nhất của huyện Hòa Vang. Mỗi khi tết đến, cả làng vui như hội bởi nhà nào cũng mâm cao, cổ đầy. Giờ đã là quá khứ rồi !”.
- Đìu hiu làng nghề
Làng Cẩm Nê nay vắng lặng tiếng khung dệt đập nhịp nhàng, Phó thôn Cẩm Nê Ngô Ngọc Lưu - chua xót: “Không vắng vẻ sao được. Cách đây hơn năm còn có 4 hộ phơi lát, nhuộm màu, dệt chiếu, nên ít nhiều vẫn gọi là làng nghề. Nay chỉ vỏn vẹn hộ ông Phan Tấn lúc dệt, lúc nghỉ nên phải gọi là “hộ nghề” mới đúng”. Câu nói nửa đùa, nửa thật quả xót xa.
Để duy trì nghề truyền thống đến ngày hôm nay với ông Tấn quả là hiếm. Bởi nếu tính toán hết chi phí, từ tiền nguyên liệu, phẩm màu đến thuê nhân công để làm, mỗi chiếc chiếu gia đình ông chỉ còn lời trên dưới 10.000 đồng. “Muốn dệt chiếc chiếu phải cần ít nhất 2 người. Thu nhập như thế làm sao sống, dân ở đây sao không bỏ nghề” - ông Tấn than thở.
Nguyên nhân chính dẫn đến làng nghề ngày một tàn lụi do nguồn nguyên liệu tại chỗ không còn, phải mua từ nơi khác. Nguồn đay, lát chủ yếu lấy từ Duy Xuyên (Quảng Nam), Thanh Hóa nay cũng cạn kiệt do người ta phá ruộng đay để nuôi tôm. Có lúc phải vào tận Bình Định hay Bến Lức (Long An) mua đay, lát về làm chiếu. Vì vậy giá đầu vào tăng nên chiếu Cẩm Nê khó cạnh tranh với sản phẩm nơi khác.
Người dân làng nghề Cẩm Nê không ai không biết đến hai ông Ngô Ngọc Sử và Ngô Ngọc Song (2 anh em chú bác) đã “liều mạng” vì sự tồn vong của làng nghề. Vào năm 1989, khi làng chiếu Cẩm Nê có dấu hiệu sa sút, hai ông làm hồ sơ thế chấp nhà cửa vay ngân hàng 140 triệu đồng để đầu tư phát triển làng nghề. Có vốn, hai ông mua nguyên liệu, đóng mới khung dệt… đưa cho người dân làm, sau đó thu lại sản phẩm để bán.
Thế nhưng, sau một vài năm cũng phá sản do không cạnh tranh nỗi với các loại chiếu trúc, chiếu nhựa tràn ngập thị trường. Đến mức hai ông suýt ngồi tù vì mất khả năng trả nợ ngân hàng. Đến năm 2008, hai ông mới trả hết nợ ngân hàng.
Vì vậy, tuy còn có nhiều người rất tâm huyết với nghề, nhưng “lực bất tòng tâm” và bài học nhãn tiền từ ông Sử, ông Sang nên không ai dám mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vực dậy làng nghề.
Đây cũng là thực trạng của nhiều làng nghề truyền thống ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay
NGUYỄN HÙNG
| |