Chiều mai, 31-10: Xem xét kiến nghị của TPHCM về cai nghiện bắt buộc

Chiều 30-10, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Huỳnh Thành Lập cho biết, ông đã nhận được công văn mời họp và phát biểu về vấn đề này vào chiều ngày 31-10 tại hội nghị do Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì tổ chức.

Chiều 30-10, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Huỳnh Thành Lập cho biết, ông đã nhận được công văn mời họp và phát biểu về vấn đề này vào chiều ngày 31-10 tại hội nghị do Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì tổ chức.

Trước đó, ngày 29-10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã có công văn gửi đến Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Văn bản này nêu rõ, qua hoạt động giám sát và kết quả phiên giải trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như lãnh đạo các bộ ngành liên quan được tổ chức ngày 27-9-2014, Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận thấy một số nguyên nhân chính dẫn đến các địa phương hầu như chưa thực hiện được việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nguyên nhân đầu tiên được nêu là các bộ ngành có liên quan ban hành chậm hoặc chưa đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy; trong khi đây là yêu cầu bắt buộc trong việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy.
Một nguyên nhân quan trọng khác là điều kiện để lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện là “đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng mà tái nghiện”, trong khi công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế.

Vẫn theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, vấn đề giao người nghiện không có nơi cư trú ổn định cho Tổ chức xã hội quản lý trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 14 Nghị định số 22 NĐ-CP là khó thực hiện, do chưa quy định rõ tổ chức xã hội nào có trách nhiệm này và biện pháp gì để quản lý. Một số quy định về thời hiệu, thời gian cũng chưa phù hợp, đồng bộ…

“Chính vì vậy, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng người nghiện không sợ bị cơ quan chức năng xử lý, ngang nhiên sử dụng ma túy tại nơi công cộng, thậm chí đe dọa tính mạng, tài sản của người dân; gây mất trật tự an toàn xã hội”, báo cáo viết.
Từ đó, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Ủy ban Pháp luật của QH chủ trì cuộc họp của các bên có liên quan để đánh giá việc thực hiện Luật, xem xét đề xuất của TPHCM để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ANH PHƯƠNG

-----------------

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên:

Đây đúng là một vấn đề bức xúc

Xung quanh kiến nghị của TPHCM về tháo gỡ những vướng mắc khi áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí bên lề kỳ họp QH.

Ông nói: “Hiện nay cho cai nghiện tại nhà bằng methanol, nhưng quá trình này chịu tác động quan trọng của xã hội; sự tự chủ của bản thân và gia đình. Nhiều  trường hợp bản thân không vượt qua được chính họ; nhiều người nghiện lại không có người thân làm chỗ dựa. Cần những thủ tục chặt chẽ để bảo vệ quyền con người là đúng, nhưng nói như TPHCM cũng có cái lý là đưa đi cai nghiện sớm cũng là cách để bảo vệ họ sớm”.

 PV: Trong báo cáo của Chính phủ về vấn đề cai nghiện cũng nhận xét là thủ tục đưa người đi cai nghiện tập trung rất nhiêu khê và phức tạp, thưa ông? 

 Bộ Trưởng NGUYỄN VĂN NÊN:
- Hiện nay Thủ tướng đang chỉ đạo các ngành tiếp tục nghiên cứu. Quan điểm chung là chấp hành pháp luật. Luật Xử lý vi phạm hành chính mới có hiệu lực từ tháng 1-2014, bây giờ có đề xuất gì khác thì phải trên cơ sở có thí điểm; có sơ kết rút kinh nghiệm.

Nhưng tình hình được coi là rất cấp bách, khi mà cả nước có 200 ngàn người nghiện, riêng TP Hồ Chí Minh đã có đến 19 ngàn người…

- Thực ra con số chưa hẳn là chính xác đâu, bởi mới dựa vào thống kê của chính quyền, khai báo của gia đình hoặc bản thân đăng ký; chúng ta chấp nhận con số tương đối để có giải pháp.  Chính phủ và Thủ tướng cũng đang chỉ đạo quyết liệt, các bộ ngành sẽ ngồi lại với một số địa phương như TPHCM để thống nhất một số mô hình thí điểm có thể thực hiện được ngay mà chưa cần sửa luật. Tôi rất chia sẻ với TPHCM rằng đây đúng là một vấn đề bức xúc.

Có ý kiến ĐBQH đại biểu cho rằng từ trước đến nay chưa bao giờ có một luật mà mới có hiệu lực khoảng 10 tháng đã phải xem xét sửa đổi, nhưng theo đại biểu này thì trong tình huống cấp bách, dù chưa có tiền lệ, nhưng QH cũng cần nghiên cứu ra nghị quyết để tạm dừng thi hành luật đó, ông nghĩ sao?

- Đề nghị của TPHCM, theo tôi hiểu, thì không đòi hỏi sửa luật mà là đề nghị QH ra một nghị quyết để thí điểm; sửa luật thì phải có thời gian dài để xem xét.

Cảm ơn ông!

ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục