
Trong ngày 1 và 2-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6-2010. Chiều qua, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo.
6 tháng qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước đã đạt được kết quả khá toàn diện, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, nền kinh tế tiếp tục phục hồi khá nhanh. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.
GDP 6 tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 6,16% (quý 1 tăng 5,83%, quý 2 tăng khoảng 6,40%), trong đó khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 3,31%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,5%; dịch vụ tăng 7,05%.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, vốn FDI thực hiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7%. Ước nhập siêu 6 tháng đầu năm khoảng 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, lạm phát đã được kiềm chế với chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng 5-2010 chỉ tăng 0,22%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2004 trở lại đây. Tính bình quân, chỉ số giá 6 tháng qua tăng 8,75% so với kỳ năm 2009.
Tuy nhiên, tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó tình hình hạn hán, thiếu điện trên diện rộng tăng lên, trong khi khả năng cân đối nguồn điện còn nhiều hạn chế, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt là rất lớn, đồng thời gây tâm lý bức xúc cho người dân và có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Thiên tai năm nay cũng được dự báo sẽ phức tạp hơn. Song song đó, lạm phát vẫn tiềm ẩn khả năng tăng cao.

Hàng hóa qua Cảng Sài Gòn ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thủ tướng nêu rõ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt một số trọng tâm để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng kinh tế; triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chi phí kinh doanh, giá thành các loại sản phẩm thuộc diện bình ổn giá, như xăng dầu, điện, than, sữa, thức ăn chăn nuôi. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế để bình ổn giá xăng dầu. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá. Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng tăng giá đất và nhà ở bất hợp lý, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư của tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đặc biệt, đối với vấn đề điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, các tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than và Khoáng sản tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối nguồn điện, huy động tối đa công suất các nhà máy điện, khắc phục tình trạng cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân; đồng thời chủ động đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu cần tiếp tục tập trung giảm mặt bằng lãi suất cho vay; có chính sách lãi suất hợp lý giữa vay ngoại tệ và VND; theo dõi, kiểm soát tốc độ tăng dư nợ cho vay bằng ngoại tệ; hạn chế cho vay ngoại tệ đối với các mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu
PHAN THẢO
Thiếu điện, nguyên nhân chủ quan là chính Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều qua, báo chí tiếp tục “truy” trách nhiệm để cắt điện kéo dài. “Khách quan là nắng nóng, hạn hán kéo dài, các hồ chứa cạn kiệt, trong khi 42% điện thương phẩm của chúng ta là từ thủy điện. Vì vậy, dù 6 tháng đầu năm nay, sản lượng điện đã tăng 16,8% nhưng vẫn thiếu, do nhu cầu điện ngày càng cao”, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích. Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chính. “Chính phủ đã thấy, đã kiểm điểm trách nhiệm. Do công tác dự báo còn kém, một số dự án điện chậm, điều hành cũng còn yếu nên để xảy ra thiếu điện. EVN đã có báo cáo Ban Bí thư, Chính phủ, phân tích rõ các nguyên nhân và nhận khuyết điểm”, ông Phúc cho biết. Về vấn đề lãi suất ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, 6 tháng đầu năm nay đã giảm lãi suất huy động 0,7%; giảm lãi suất cho vay 1%. Ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong vòng 1-2 tháng tới sẽ giảm lãi suất xuống dưới 10%. |