Chính phủ tạo mọi điều kiện để Long An thu hút đầu tư

Sáng 17-10, tỉnh Long An tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 với chủ đề “Hợp tác – Phát triển bền vững”. Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế…
Chính phủ tạo mọi điều kiện để Long An thu hút đầu tư

(SGGPO).- Sáng 17-10, tỉnh Long An tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 với chủ đề “Hợp tác – Phát triển bền vững”. Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế…

Lãnh đạo tỉnh Long An giới thiệu quy hoạch phát triển của tỉnh. Ảnh: Huỳnh Lợi

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Long An có vị trí khá thuận lợi do giáp với TPHCM, đồng thời là cửa ngõ đi các tỉnh ĐBSCL và có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia dài 133km. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được quan tâm đầu tư hoàn thiện.

Những năm qua, kinh tế của tỉnh Long An phát triển khá, trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,26%, GDP bình quân đầu người đạt 50,7 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 3,69 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước năm 2015 đạt gần 8.000 tỷ đồng.

Về đầu tư trong nước, đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 7.900 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 189.000 tỷ đồng và có 1.259 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký 139.845 tỷ đồng.

Đối với đầu tư nước ngoài, hiện có 772 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 5,1 tỷ USD của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các ngành nghề đầu tư là sản xuất điện tử, cơ khí, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp dệt may, da giày, nhựa, vật liệu xây dựng, chế biến thức ăn…

Long An đã lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80-85 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu GDP tương ứng chiếm 15%, 45%, 40%.

Long An chia thành 3 vùng để kêu gọi đầu tư gồm: Vùng 1, an ninh lương thực, du lịch và kinh tế cửa khẩu; Vùng 2, là vùng đệm, được định hướng phát triển nông nghiệp, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái; Vùng 3 là vùng phát triển đô thị và công nghiệp. Với việc định hướng không gian phát triển như trên, tỉnh có điều kiện thu hút đầu tư trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp; thương mại – dịch vụ; nông nghiệp. 

Doanh nghiệp nước ngoài tham quan mô hình phát triển đô thị ở Long An. Ảnh: Huỳnh Lợi

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, tỉnh Long An có vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn là nơi có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Vấn đề là tỉnh cần ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao. TS Trần Du Lịch, nguyên phó Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM phân tích: “Để thu hút đầu tư, chính quyền cần làm “bà đỡ”, đồng hành, chia sẻ những khó khăn cũng như thuận lợi để doanh nghiệp an tâm đầu tư. Trong từng lĩnh vực đầu tư cần chọn “con sếu” đầu đàn để phát triển “đàn sếu”. Làm được những điều này, Long An cần kết nối tốt hơn về liên kết vùng; xác định quy hoạch phát triển hợp lý; có giải pháp hiệu quả về nguồn nhân lực và giải pháp về vấn đề môi trường của tỉnh và của vùng…”.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Long An có bước phát triển toàn diện, trong đó tỉnh luôn nằm trong tốp tăng trưởng cao của vùng ĐBSCL và cả nước. Nhờ cải thiện môi trường đầu tư nên Long An luôn thu hút nhiều doanh nghiệp đến làm ăn, nhất là doanh nghiệp FDI. Cái hay của Long An là chính quyền cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và công khai minh bạch cơ chế. Với lợi thế là cửa ngõ của TPHCM về ĐBSCL, đồng thời là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chính phủ mong muốn Long An phấn đấu trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của vùng.  Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Long An tăng tốc thu hút đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh Long An cần khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao; xem khởi nghiệp là khâu đột phá, khuyến khích giới trẻ nông thôn lập nghiệp. Cùng với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tỉnh chú trọng xây dựng nông thôn mới, phát triển HTX kiểu mới… Chính phủ giao cho các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế phù hợp để Long An trở thành địa phương hấp dẫn thu hút đầu tư… 

     HUỲNH LỢI – ĐĂNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục