Làm việc với TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Ngày 27-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Chính phủ gồm các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ đã có cuộc làm việc với Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, Thường trực UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm 2016 và bàn một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016. Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã lắng nghe, xem xét và giải quyết một loạt những kiến nghị của TPHCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi để TPHCM phát triển nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của cả nước.
Tham dự cuộc làm việc quan trọng này còn có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo TPHCM (Ảnh: Việt Dũng)
TPHCM phải là địa phương đi đầu về cơ chế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu cuộc làm việc bằng câu nói ấn tượng: “Kỳ họp này các bộ, ngành trung ương vào là để đề xuất các cơ chế đặc thù cho TPHCM phát triển, chúng ta không bàn gì nhiều nữa…”. Cầm trên tay bản báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm 2016, trong đó có 7 đề xuất kiến nghị của TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Cuộc làm việc hôm nay có 11 bộ trưởng và gần như hết thứ trưởng đại diện cho các bộ để cùng nhau bàn 7 vấn đề lớn của TPHCM. Mỗi vấn đề trong đó còn có 7, 8 vấn đề nhỏ nữa liên quan đến cơ chế và tiền mà chúng ta phải xem xét và giải quyết một cách quyết liệt nhất…”.
|
Về báo cáo tình hình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trình bày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành đều đồng tình và đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chính quyền TPHCM đạt được trước bối cảnh thuận lợi ít, khó khăn nhiều. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tăng trưởng của TPHCM đạt khá với tốc độ tăng 7,47%, các chỉ tiêu khác về xuất khẩu, thu hút đầu tư, thu ngân sách… đều tăng từ 9% đến 12% là tín hiệu tích cực. Đặc biệt, trong 6 tháng có hơn 17.000 doanh nghiệp được thành lập đã nói lên tinh thần khởi nghiệp của TP đầu tàu kinh tế cả nước là rất lớn. Thành tích trên cho thấy tính chủ động, tích cực các giải pháp thực hiện nghị quyết của Chính phủ; thành phố cũng tạo được ổn định chính trị, xã hội, quan hệ tốt với các nước để thu hút đầu tư, mời gọi hợp tác phát triển. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển thì chưa đạt, tiềm năng và thế mạnh của thành phố chưa khai thác hết; năng lực cạnh tranh yếu, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, an toàn xã hội, giao thông… còn nhiều bất cập. Đây là nguyên nhân và lực cản phát triển rất lớn mà chỉ có cơ chế đặc thù và các chính sách đột phá mới giúp TPHCM khắc phục và bứt phá phát triển lên được…”.
Thảo luận các đề xuất kiến nghị của TPHCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, trong 9 vấn đề liên quan đến bộ máy tổ chức thì đã có 6 vấn đề đang được xem xét, giải quyết. Trong đó có đề nghị giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý đầu tư - xây dựng Khu Tây Bắc, Khu Thủ Thiêm, Khu Nam thành phố; việc thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm; việc thành lập các phòng pháp chế tại các sở ngành. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói về các kiến nghị phân cấp, ủy quyền cũng đồng ý với phần lớn các chủ trương thí điểm về phí, lệ phí, quản lý cán bộ, công chức, thành lập các cơ quan chuyên môn nhưng không tăng biên chế; đặc biệt về thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm và các cơ chế đặc thù xã hội hóa thu hút nguồn lực cho phát triển y tế.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đồng ý với các kiến nghị của thành phố về tháo gỡ các thủ tục đầu tư như cho phép UBND TP tổ chức thẩm định dự án, thiết kế cơ sở dự án nhóm A và thẩm định kỹ thuật và dự toán xây dựng, cho phép các Ban quản lý khu đô thị, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao được thẩm định thiết kế và dự toán các dự án nhóm B, C; có cơ chế chỉ định thầu, cơ chế đầu tư Khu đô thị cảng Hiệp Phước; cơ chế tài chính trong nước đối với các dự án đường sắt… Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận, sẽ có nhiều kiến nghị phải được Chính phủ sửa nghị định, bộ điều chỉnh thông tư và thậm chí có cái phải có luật điều chỉnh…
Các kiến nghị về đầu tư kết cấu giao thông, trong đó có hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất cũng được Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết đang quyết liệt đề nghị Chính phủ giải quyết… Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì nêu ra một loạt kiến nghị của thành phố về điều tiết tài chính, phân cấp nguồn thu, thưởng vượt thu, sử dụng quỹ dự trữ tài chính… chỉ xem xét, điều chỉnh theo hành lang pháp lý, thậm chí là phải đưa ra Quốc hội quyết, chứ không thể có cơ chế riêng ngay được.
Trong khi đó, quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là những ràng buộc về cơ chế đối với TPHCM đã tạo ra không gian phát triển quá tải, động lực phát triển bão hòa, cộng với những tác động về tăng dân số, tác động môi trường, biến đổi khí hậu…, đã làm chậm phát triển của thành phố. Để phát triển TPHCM nhanh, bền vững phải mạnh dạn tháo gỡ những vướng mắc, vật cản và tạo ra mô hình kinh tế mới mang tính động lực để thành phố phát triển. “TPHCM phải là đầu tàu về thực hiện cơ chế, chính sách phát triển, tạo sức lan tỏa khu vực và xây dựng một lớp doanh nhân mới năng động, sáng tạo, đủ sức cạnh tranh…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, phải mạnh dạn phân cấp, ủy quyền cho TPHCM, cái nào làm ngay được thì làm, không bàn, không chờ Chính phủ quyết. “Cái nào vướng luật thì ra nghị định, thông tư sửa; cái nào chưa có luật thì cho làm thí điểm. Có như thế đầu tàu mới lớn, mới kéo khỏe được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “TPHCM đã đi đầu rồi thì phải đi nhanh lên; cái gì đã có thì làm tốt lên; cần tăng cường làm thí điểm, không đợi luật ban hành, có đề án của từng lĩnh vực thấy được là Chính phủ quyết cho làm thí điểm ngay”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TPHCM Ảnh: VIỆT DŨNG
“Đầu tàu không thể chạy bằng than đá…”
Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã nói như vậy sau một loạt dẫn chứng về nhiều kiến nghị của thành phố cứ đưa ra là phải trình tự các bước thông qua các bộ ngành thẩm định, xem xét, rồi mới trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Làm như vậy thì rất lâu và không biết bao giờ mới thoát ra được ràng buộc để thành phố phát triển. Ngay như việc trích để lại ngân sách thu vượt, nhiều năm nay có đề nghị tăng đâu, chỉ mong được giữ nguyên. Hay sân bay Tân Sơn Nhất cũng vậy, rất nhiều kiến nghị của thành phố để tăng đầu tư hạ tầng lên, chứ như hiện nay chỉ có Thủ tướng đi máy bay mới không bị “delay” trên trời, còn lại là bay lòng vòng chờ đường băng để hạ cánh…”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói.
Để TPHCM phát triển nhanh hơn, là “đầu tàu không thể chạy bằng than, mà phải bằng nguyên tử”, đồng chí Đinh La Thăng đề nghị Trung ương gấp rút cho TPHCM cơ chế riêng mang tính đặc thù. Trong đó, cần sớm có cơ chế phát triển vùng để tăng cường liên kết phát triển với các địa phương. Cơ chế này phải có một Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách và điều hành chung. Mặt khác, cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền và tối đa hóa các chủ trương, chính sách để thành phố đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực có thế mạnh như y tế, giáo dục, giao thông…
Ủng hộ quan điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không nhất thiết cái gì cũng đưa ra các bộ ngành bàn và chờ quyết. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 16 về TPHCM, trong đó cũng nói rất rõ là đẩy mạnh thí điểm trên tất cả các lĩnh vực thành phố có thể làm được và phù hợp với yêu cầu phát triển, không cần đến ban hành luật, nghị định, thông tư. TPHCM cần lập đề án của từng lĩnh vực và trình trực tiếp Chính phủ để quyết và làm nhanh.
“Chính phủ không có nhiều tiền, nhưng có cơ chế để TPHCM phát triển”
Đó là kết luận chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc, sau khi đưa ra một loạt yêu cầu về tầm nhìn và tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của TPHCM cần có cơ chế đặc thù đặc biệt để phát triển. Thủ tướng nói: “TPHCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông, chứ không dừng lại “Hòn ngọc Viễn Đông”. Muốn được vậy, TPHCM phải có chiến lược về tầm nhìn trên tất cả các lĩnh vực. TPHCM phải là địa phương đi đầu, phát triển văn minh, hiện đại, có nền kinh tế mới sáng tạo, có sức lan tỏa cả nước, vùng, khu vực và thế giới. TPHCM còn là trung tâm nguồn lực chất lượng cao nhiều mặt của cả nước; xây dựng cơ cấu kinh tế thông minh, lấy công nghệ cao làm nền tảng phát triển. Chính phủ đồng ý tất cả những đề xuất, kiến nghị của TPHCM và sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện trong thời gian nhanh nhất. Chính phủ không có nhiều tiền, nhưng có cơ chế để tối đa hóa môi trường thuận lợi để thành phố phát triển…”.
Về cơ chế thí điểm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn nhất trí với cách làm, những cái nào mới phát sinh và là động lực phát triển mà pháp luật chưa điều chỉnh thì làm thí điểm. “Ví dụ như chủ trương cải tạo chung cư cũ, hư, xã hội hóa đầu tư phát triển… thì TPHCM làm đề án để Chính phủ quyết ngay. Thành phố phải năng động, sáng tạo và tìm ra cách làm hiệu quả là Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để làm, không chờ nữa, không nói nhiều nữa, TPHCM phải mạnh dạn, bứt phá lên…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận.
Hoài Nam