Chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm

Chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm

Lòng lề đường bị chiếm dụng

LTS: Trên trang Nhịp cầu bạn đọc Báo SGGP ra ngày 16-6 có bài “Lòng lề đường bị chiếm dụng - Cần giải pháp căn cơ”. Đây là một thực trạng xã hội đang làm nhiều cư dân TPHCM bức xúc, vì gây mất trật tự, mỹ quan và vệ sinh đô thị. Ngay sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi mail phản ánh thêm các tuyến đường đang tràn lan cảnh chiếm dụng lòng lề đường, và cho rằng chính quyền các phường đã chưa làm hết trách nhiệm.

Đặt chốt dân phòng để… làm kiểng

Đường Cách Mạng Tháng Tám là tuyến đường nóng nhất về nạn chiếm dụng vỉa hè để buôn bán. Là tiểu thương có cửa hàng kinh doanh quần áo ở đường này, tôi rất khổ sở và bức xúc, khó cạnh tranh được, vì để mở cửa hàng phải tốn nhiều chi phí từ tiền thuê mặt bằng, thuế, nhân viên..., trong khi đó, những người bán hàng rong chiếm dụng vỉa hè, choán hết mặt tiền cửa hàng buôn bán, mà không phải tốn bất kỳ khoản tiền nào. Chúng tôi đề nghị họ không bày hàng choán hết lối vào cửa hàng, còn bị họ cự cãi. Phường lập chốt dân phòng, tưởng sẽ dẹp được nạn chiếm dụng vỉa hè, nhưng thực tế chốt chỉ để… làm kiểng. Dân phòng ngồi trực trong chốt, còn những người chiếm dụng vỉa hè vẫn cứ thản nhiên buôn bán. Do địa phương không làm nghiêm, nên các cửa hàng cũng phải bày hàng ra chiếm dụng vỉa hè để may ra còn có thể cạnh tranh với những người bán hàng rong.

Nạn chiếm dụng vỉa hè để buôn bán đậu xe không phải là mới diễn ra mà đã tồn tại nhiều năm, nhưng do chính quyền các địa phương đã không xử lý triệt để nên ngày càng tràn lan ra nhiều tuyến đường ở TPHCM. Lực lượng chức năng có làm nhiệm vụ tuần tra nhưng cũng chỉ là biện pháp “đẩy đuổi” chiếu lệ, cứ như ném đá ao bèo, rồi vẫn vậy. Đúng là rất cần có giải pháp căn cơ mới có thể xử lý triệt để tình trạng chiếm dụng lòng lề đường.

TRẦN HẢI SƠN
(Phường 6, quận Tân Bình, TPHCM)

Lòng đường cũng bị chiếm dụng

Tại khu đô thị mới Trung Sơn (huyện Bình Chánh), những con đường có vỉa hè rộng đã trở thành nơi lý tưởng cho các chủ quán nhậu chiếm dụng vỉa hè. Người đi xe máy ngang qua khu vực Trung Sơn luôn bị đông đảo nhân viên của các quán nhậu đứng xếp hàng giữa lòng đường níu kéo tranh khách. Toàn bộ vỉa hè thành quán nhậu nên người đi bộ không dám bước ngang qua đây, vì quá phức tạp và phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm. Tương tự, một số quán nhậu, quán cà phê trên đường Thành Thái, Tô Hiến Thành (quận 10), vòng xoay Lăng Chả Cả (quận Tân Bình), Tôn Đản, Hoàng Diệu (quận 4), Dương Bá Trạc (quận 8), Nguyễn Trãi, An Dương Vương (quận 5)... cũng ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè để bày bàn ghế cho khách. Có nhiều quán còn chiếm dụng lòng đường để làm bãi giữ xe cho khách nhậu, khiến xảy ra tình trạng mất trật tự và ùn tắc giao thông.

Quán nhậu ở khu Trung Sơn đặt bàn ghế chiếm hết vỉa hè.

Ở đường Lý Thái Tổ (quận 3), nhiều garage còn chiếm dụng lòng đường làm nơi đậu và sửa ô tô. Người đi bộ không những phải đi xuống lòng đường mà còn phải đi ra giữa đường, vì lòng đường gần lề đã bị các ô tô đậu kín. Thật đáng lo khi các cháu nhỏ phải đi học giữa con đường, len lỏi với xe cộ lưu thông rất đông đúc. Nhiều báo đã phản ảnh về chuyện lòng đường thành garage sửa xe, ngay cả lãnh đạo UBND TPHCM cũng đã từng phê bình và chỉ đạo chấn chỉnh, vậy mà chính quyền phường bó tay, không xử lý, chấn chỉnh được. Thiết nghĩ, chỉ có việc xử lý các quán nhậu, garage chiếm dụng lòng lề đường để giữ trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị mà chính quyền các phường này không làm được, thì cần phải nghiêm túc truy xét sự yếu kém về trách nhiệm và năng lực của những người lãnh đạo địa phương.

NGUYỄN THỊ MAI ANH
(Phường 1, quận 3, TPHCM)

Phản hồi của chính quyền, cơ quan chức năng

Đội Trật tự đô thị quận Tân Bình thừa nhận, tình trạng chiếm dụng vỉa hè để buôn bán xảy ra trên nhiều tuyến đường từ sáng đến tối. Buổi tối càng tràn lan hơn. Hàng ngày, đội thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh trật tự vỉa hè các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn như Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám..., ngoài ra, còn thực hiện kế hoạch phối hợp với UBND các phường lập lại trật tự lòng lề đường ở các tuyến đường nhỏ. Để có thể ngăn chặn triệt để, phải luôn có người trực chốt tại các điểm có nạn buôn bán, nhưng không khả thi vì đội không thể có nhiều nhân sự đáp ứng. Chủ yếu là lực lượng của phường như trật tự, công an phường thường xuyên trực gác, nhắc nhở để ngăn chặn tình trạng buôn bán chiếm dụng lòng lề đường.

UBND phường 1 (quận 3) cho biết, lực lượng chức năng địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp sửa chữa ô tô dưới lòng đường, nhưng khó lập biên bản xử lý vì khi phát hiện có đội tuần tra, các thợ sửa ô tô liền nhanh chóng thu dọn đồ nghề vào bên trong. Để chấm dứt được việc các garage biến lòng đường Lý Thái Tổ thành nơi sửa ô tô, cần lắp đặt biển báo cấm đậu ô tô trên đường này. Còn Phòng Quản lý đô thị quận 3 cho hay: Tuyến đường Lý Thái Tổ do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 quản lý. UBND quận 3 đã có đề nghị Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 lắp đặt biển báo cấm dừng, cấm đậu ô tô trên đường Lý Thái Tổ, nhưng rồi chỉ được xem xét lắp biển báo cấm đậu, nên hiện nay các garage dùng cách dừng xe theo đúng quy định dưới lòng đường (có đèn báo và tài xế trên xe) để sửa xe.

BAN BẠN ĐỌC

Tin cùng chuyên mục