Chính sách cho sân khấu

Hơn 10 năm trước, với phong trào xã hội hóa, sân khấu TPHCM bước vào giai đoạn phát triển mới. Các sân khấu tư nhân liên tiếp mở ra, nhiều sàn diễn sáng đèn suốt tuần. Nhưng sau 10 năm, sân khấu xã hội hóa TPHCM dần để lộ nhiều nhược điểm và ngày càng nghiêm trọng.

Không có kinh phí của Nhà nước, các sân khấu xã hội hóa tự thân vận động, lấy thu bù chi, mà chi thì nhiều khoản, tiền thuê địa điểm biểu diễn; tiền điện nước; tiền tác quyền kịch bản, chi phí dựng vở, thù lao cho đạo diễn và các thành phần... cùng nhiều khoản chi không tên khác. Tất cả đều trông chờ vào doanh thu phòng vé.

Để tiết kiệm, các sân khấu hướng tới đầu tiên là tìm kịch bản có yếu tố ăn khách. Mỗi sân khấu, vở diễn chỉ cần có được vài gương mặt diễn viên quen thuộc, thu hút người xem. Trang trí mỹ thuật đơn giản, tiết kiệm; nhạc chọn loại có sẵn. Vở diễn ra mắt vài ngày, nếu vắng khán giả thì bù lấp bằng vở khác ngay.

Còn nếu vở diễn kéo dài, ăn khách, lập tức các sân khấu khác ùa theo; cũng tổ chức kịch bản, dàn dựng những vở diễn tương tự, chỉ nhấn nhá đổi thay đôi chút, kết cấu tùy tiện, chắp nhặt. Những chuyện tình tay ba, tay tư; kịch kinh dị, đồng tính, hài kịch đến mức hài nhảm nối nhau ra đời, có thời gian chiếm trọn các sân khấu ở TP. Hiếm có những vở diễn đụng đến và gợi mở lời giải đáp cho những vấn đề thiết thân trong đời sống xã hội luôn biến động của người dân TP. Rất hiếm sân khấu xã hội hóa dàn dựng những vở chính kịch nghiêm túc, những tác phẩm kinh điển trong nước và thế giới, những tác phẩm đòi hỏi dàn dựng quy mô, tiêu biểu cho bộ mặt sân khấu của một quốc gia, những vở kịch nâng cao thẩm mỹ của quần chúng, tạo sự giao lưu giữa sân khấu trong nước và thế giới. 

Các sân khấu xã hội hóa mặc nhiên coi việc dàn dựng các vở diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị là công việc của sân khấu công lập. Kịch mục hầu hết phục vụ giải trí, tiêu dùng dễ dãi của người xem khiến người dân TP chán nản, xa rời sân khấu. Thống kê cho thấy, lượng người xem đến với sân khấu giảm khoảng 40%-60% so với trước đây. 

Về sự suy thoái của sân khấu trong khoảng 10 năm gần đây, trách nhiệm thuộc về nhiều phía. Sân khấu Nhà nước buông tay trước sức ép của kinh tế thị trường. Sân khấu xã hội hóa theo lối dễ đi, mong nhanh chóng thu hồi vốn, duy trì tồn tại. Còn quản lý Nhà nước không những không có sự hỗ trợ kịp thời mà còn buông trôi, để sân khấu công lập “tự bơi”, sân khấu xã hội hóa “nước chảy bèo trôi”. 

Đáng lẽ, bước vào kinh tế thị trường, xã hội hóa văn hóa văn nghệ thì cũng chính là lúc văn hóa văn nghệ cần sự định hướng rõ ràng nhất, cần sự quản lý, giúp đỡ cụ thể, thiết thực nhất về mọi mặt, mà trước hết là những khó khăn mà chỉ riêng lực lượng sân khấu ở TP không thể đơn độc giải quyết. 

Trước đây, TP có tới trên 20 điểm rạp diễn lớn nhỏ rải đều từ trung tâm đến các khu đông dân cư. Ở một TP “tấc đất tấc vàng”, các điểm diễn đó lần lượt bị thâu tóm, biến hình, xây dựng thành các trung tâm thương mại, chung cư cao tầng. Nhiều khu đô thị cao tầng hiện đại mọc lên. Mỗi khu dân cư đều có đủ siêu thị, trường học, nhà trẻ, công viên, nơi vui chơi giải trí... nhưng hầu như chưa nơi nào có sự hiện diện của một sân khấu, nhà hát. 

45 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, TP không ngừng lớn lên về mọi mặt. Đã đến lúc TP phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng một nhà hát kịch nói mang tầm cỡ nhà hát quốc gia. Điều quan trọng hơn là cần xây dựng lại đội ngũ cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ thuộc nhà hát hiện có, không phải số lượng cồng kềnh, “biên chế suốt đời”. Nhiệm vụ của nhà hát là đầu tư, xây dựng các vở kịch hay, kinh điển. Tùy vở, tùy việc, nhà hát sẽ mời gọi, hợp đồng với đạo diễn, diễn viên trong cả nước. Những nghệ sĩ cộng tác với nhà hát không thể chỉ bằng lòng với tác phẩm “đúng”, mà phải “đúng” và “hay”. 

Giới làm nghề cũng mong muốn phải xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và thể chế pháp luật cho sân khấu. Khuyến khích, tạo điều kiện xã hội hóa cho các sân khấu kịch và các tổ chức khác. Xã hội hóa là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội, không chỉ về hưởng thụ mà còn về đóng góp, cống hiến của nhân dân cho sự nghiệp văn hóa; là một chính sách lâu dài, khoa học và hợp quy luật. Đặc biệt, đảm bảo tự do sáng tác và phát huy quyền sáng tạo của văn nghệ sĩ, đi đôi với việc nêu cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ, trách nhiệm công dân của từng cá nhân đối với xã hội.

Tin cùng chuyên mục