Ankara và Tel Aviv vừa đạt thỏa thuận sơ bộ để bình thường hóa quan hệ và trao đổi đại sứ sau cuộc đàm phán kín ở Thụy Sĩ. Như vậy, sau hơn 5 năm quan hệ thù địch, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang sẵn sàng khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ. Mối quan hệ này bị cắt đứt trong năm 2010 sau khi biệt kích Israel giết chết 9 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc đột kích vào chiếc tàu viện trợ Mavi Marmara từ Thổ Nhĩ Kỳ sang dải Gaza phá vỡ vòng vây phong tỏa của Israel. Giờ, Israel chấp nhận thành lập một quỹ đặc biệt để hỗ trợ thân nhân các nạn nhân trên tàu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo Christian Science Monitor, Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel trong bối cảnh Nga có thể cắt đứt nguồn cung dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq thì buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi Iraq và quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đang trở nên căng thẳng. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảm thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang bị cô lập từ các nước láng giềng và cả các nước Arab.
“Về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn hòa giải với Israel hiện là một động thái chiến thuật để cải thiện quan hệ với Mỹ và các đồng minh phương Tây sau khi đứt quan hệ với Nga”, theo ông Fadi Hakura, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại tổ chức Chatham House ở Anh. Tuy vậy, theo ông, Israel không xem Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác ổn định, sẽ vô cùng khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ và Israel thiết lập quan hệ thân thiện.
Trong khi đó, Israel có tham vọng xuất khẩu khí đốt sau khi phát hiện mỏ khí đốt lớn thứ hai ở Địa Trung Hải và đang tìm kiếm khách hàng mới. Thổ Nhĩ Kỳ là câu trả lời. Theo các quan chức Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, rằng quan hệ ngoại giao hai nước được nối lại sẽ mở đường đàm phán về một dự án đường ống ngầm đưa khí đốt của Israel tới miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ thay cho dự án khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình chỉ.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đa số theo Hồi giáo đầu tiên công nhận Israel vào năm 1949 và hai bên đã có được một mối quan hệ thân thiết trong những năm 1990. Nhưng trải qua nhiều sự việc, trong đó có cuộc xung đột giữa Israel với người Palestine, mối quan hệ này dần xa cách mà giọt nước cuối cùng làm tràn ly là vụ Israel tấn công tàu của Thổ Nhĩ Kỳ năm 2010. Tuy nhiên, việc Israel tiếp tục phong tỏa dải Gaza vẫn là bài toán khó trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Israel.
Chính sách ngoại giao thực dụng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được áp dụng cả với Liên minh châu Âu (EU). Sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng di dân từ Syria vào châu Âu, EU đã buộc phải chấp nhận yêu sách của Thổ Nhỹ Kỳ là nối lại đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU cũng như chấp nhận khoản viện trợ 3 tỷ EUR và miễn thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ phải có nhiệm vụ chặn bớt dòng người di cư từ Syria.
Nhiều nhà phân tích nhận định, chính sách ngoại giao hay thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ việc họ muốn là lực lượng lãnh đạo trong khối Arab nhưng lại không được khối này chấp nhận. Trong khi phương Tây cũng không xem Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thực sự ngoại trừ việc sử dụng họ trong việc đối trọng với Nga và Iran và do vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngã tư Á - Âu liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng của Trung Đông.
KHÁNH MINH