Chính trường Thái Lan giảm nhiệt

Sau hơn hai tuần căng thẳng xung quanh vấn đề sửa đổi Hiến pháp và mâu thuẫn giữa phe đối lập với liên minh cầm quyền, chính trường Thái Lan đã xuất hiện dấu hiệu giảm nhiệt.

Theo báo chí Thái Lan, các nhà lãnh đạo chủ chốt của chính phủ nước này đã nhất trí đưa ra kiến nghị về tiến trình sửa đổi Hiến pháp cùng thời điểm với kiến nghị của phe đối lập. Theo đó, Quốc hội Thái Lan sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 60 thành viên, trong đó, 29 người thuộc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), 21 người thuộc đảng Dân chủ, 4 người thuộc đảng Dân tộc Thái, 3 người thuộc đảng Vì Tổ quốc và mỗi đảng nhỏ khác trong chính phủ liên hiệp có một người.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (ECT) đã chuyển dự luật tổ chức trưng cầu dân ý, trong đó có điều khoản về việc sửa đổi Hiến pháp, lên Văn phòng Quốc hội chuẩn bị cho việc xem xét trong phiên họp toàn thể dự kiến vào ngày 9-6 tới.

Trước đó, vấn đề sửa đổi Hiến pháp gây nên sự căng thẳng chính trị và làm náo động thủ đô Bangkok bởi các cuộc biểu tình của phe đối lập do PAD tổ chức. Hiến pháp hiện hành bị đa số nghị sĩ và đảng cầm quyền chính PPP coi là “thiếu dân chủ” và cần phải được sửa đổi.

Trong khi đó, phe đối lập cho rằng Thủ tướng Samak là đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin, người mà họ muốn loại bỏ khỏi chính trường. Không những thế, các thủ lĩnh của PAD đã khẳng định tiếp tục tổ chức biểu tình cho tới khi “giành chiến thắng” và mục tiêu không chỉ là phản đối việc sửa đổi Hiến pháp mà còn muốn gây sức ép nhằm lật đổ chính quyền hiện nay.

Đã xuất hiện những đe dọa, cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính mới, tuy nhiên có thể thấy nhiều bên vẫn mong muốn làm lắng dịu tình hình, đặc biệt là các chính khách hàng đầu của quân đội và cảnh sát Thái Lan.

Trong một cuộc gặp với Thủ tướng Samak Sundaravej, Tư lệnh Lục quân Anupong Paochinda và Tư lệnh cảnh sát quốc gia Patcharawat Wongsuwan đều bày tỏ quan điểm không muốn huy động lực lượng vũ trang để giải tán người biểu tình.

Còn Tổng Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan, tướng Boonsrang Niempradit cho biết việc ban hành luật tình trạng khẩn cấp để đối phó với những người biểu tình vào lúc này sẽ càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ chứ không mang lại kết quả tốt đẹp cho đất nước.

Trong khi đó, đảng cầm quyền PPP được cho là thân Thaksin vẫn cố gắng tìm kiếm các giải pháp nhằm củng cố quyền lực và ổn định chính trường. Các nhà lãnh đạo PPP tuyên bố rằng Thủ tướng Samak sẽ không từ chức, không giải tán Quốc hội và khẳng định ông có đủ khả năng đối mặt với sức ép và đủ khả năng để giải quyết mọi vấn đề.

Tuy có những diễn biến mới dịu hơn, nhưng chính trường Thái Lan chưa ổn định như mong đợi của đa số người dân nước này sau cuộc bầu cử Quốc hội cuối năm 2007.

Nguyễn Khắc Đức

Tin cùng chuyên mục