Nhìn lại năm 2016, có nhà kinh tế thốt lên rằng, trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ các dự đoán lại “lệch pha” với thực tế xa đến như vậy. Nhiều dự đoán đã không thành hiện thực, như sự sụp đổ của nền kinh tế Anh sau Brexit; thảm kịch trên sàn chứng khoán thế giới sau ngày ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ; cuộc hạ cánh cứng của Trung Quốc hay sự tiêu điều của nước Nga trong vòng vây cấm vận…
Trong nước, năm 2016 cũng có nhiều yếu tố bất ngờ, đặc biệt là phải ứng phó với một số rủi ro trong quá trình phát triển kinh tế, tiêu biểu là sự cố môi trường ở một số tỉnh miền Trung. Tác động của sự cố này thậm chí sẽ còn kéo dài trong năm 2017 và một số năm tiếp theo.
Chẳng thế mà suốt trong năm 2016, các tổ chức nghiên cứu trong nước và định chế tài chính quốc tế liên tục thay đổi mức dự báo tăng trưởng. Tuy nhiên, năm 2016 cũng là năm Chính phủ mới, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định phương châm “kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân”. Quốc hội cũng sẵn sàng sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật tuy mới ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tế. Mức độ công khai, minh bạch được cải thiện trong nhiều vấn đề như nợ công, nợ Chính phủ, thậm chí là đóng góp ngân sách của các địa phương…
Bên cạnh đó, sau nhiều năm trì hoãn, Nhà nước đã chấp nhận thoái vốn công khai khỏi một số DNNN đang làm ăn có lãi, một động thái “dũng cảm” giúp khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình phát triển đất nước, dù bước đi còn rụt rè, chậm chạp hơn kỳ vọng. Tất nhiên, nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn khỏe mạnh. Những nhược điểm cốt tử về cơ cấu chưa khắc phục được tận gốc, nợ xấu vẫn đang ở mức cao, nợ xấu ngoại bảng xử lý chậm, khối doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển bền vững và đang có xu hướng nhỏ đi đáng kể so với 5 năm trước, nghĩa là đông, nhưng chưa mạnh. Như thế, khối này đang phải đối phó với khó khăn kép: trong khi quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, thì chi phí hoạt động lại cao, do giá vốn vẫn cao…
Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã thông qua có thể đạt được, nếu chúng ta thực hiện được kế hoạch đã đặt ra. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đó là những nhiệm vụ không đơn giản, có thể mất tới vài ba năm mới hoàn thành. Thách thức nhất và phải dành ưu tiên cao nhất có lẽ là nhiệm vụ xử lý nợ xấu nhằm kéo giảm giá vốn vay, một việc chắc chắn cần đến nguồn lực tài chính rất lớn và cả “khả năng chịu đau” của toàn xã hội. Điều đáng mừng là tại Diễn đàn đối tác phát triển (VPDF 2016) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn đề nghị Ngân hàng Thế giới (WB) giúp Việt Nam xử lý vấn đề nợ xấu một cách hiệu quả, thể hiện quyết tâm “chịu đau” để nền kinh tế khỏe mạnh hơn trong những năm tới. Đối với sản xuất công nghiệp, dù Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được thực hiện hay không, thì vẫn cần tập trung nguồn lực của đất nước để phát triển công nghiệp dệt may và da giày, vì nếu không dồn lực đầu tư từ bây giờ thì sẽ hết cơ hội. Lợi thế của Việt Nam ở hai ngành này chỉ giới hạn ở một không gian và thời gian nhất định, có thể không lâu hơn năm 2019. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 3D, rất nhiều ngành sản xuất, dịch vụ, trong đó có ngành may mặc (phân khúc chất lượng cao và sản phẩm chuyên biệt như quần áo thể thao, quần áo dành cho người già, người khuyết tật…), đang quay lại nước Mỹ và một số nước phát triển khác. Vì thế, ở những trung tâm công nghiệp lớn, có thể áp dụng được thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 vào dệt may, da giày thì phải dồn sức làm ngay.
Đối với nông nghiệp, để khắc phục tình trạng manh mún và phân tán trong sử dụng đất đai, cản trở việc xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa với hàm lượng khoa học công nghệ cao, Nhà nước cần đứng ra thành lập mô hình ngân hàng đất nông nghiệp, phát triển thị trường cho thuê đất với mục đích canh tác. Theo đó, chính quyền địa phương thành lập cơ quan giao dịch đất đai, cơ quan này có chức năng cung cấp thông tin, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Nhà nước hỗ trợ bằng các hình thức bảo lãnh tiền vay và cung cấp vốn ưu đãi cho các dự án đầu tư trang trại lớn; đồng thời hình thành thị trường dịch vụ cơ giới hóa hoạt động tích cực.
Trên đây mới chỉ là phác thảo những việc lớn. Xin nhấn mạnh thêm một yếu tố tiên quyết, có thể coi như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt để năm 2017 vận hành được trôi chảy: yếu tố con người. Người đứng đầu chính quyền cũng như doanh nghiệp trước hết và trên hết phải là người vạch ra đường lối, chiến lược phát triển, không nên quá sa đà vào công việc sự vụ hoặc bận rộn tìm kiếm, phát triển các “mối quan hệ” - vốn rất phổ biến khi cơ chế xin - cho vẫn còn tồn tại.
TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội