Cho đi yêu thương!

Năm nào cũng thế, từ đầu năm, chị mua một con heo đất và ghi lên đó dòng chữ “Cho đi yêu thương”. Hàng ngày, dù có nhiều hay ít, chị cũng cho heo “ăn uống đầy đủ”.

Trên một số con đường có những thùng nước trà đá miễn phí để người đi đường ai khát cứ lấy uống
Trên một số con đường có những thùng nước trà đá miễn phí để người đi đường ai khát cứ lấy uống

Cuối năm, chị đập heo, góp vào các chương trình từ thiện, khi thì ủng hộ ai đó trong cơn hoạn nạn, lúc thì gói ghém những phần quà nhỏ gồm gạo, đường, dầu ăn, nước tương mang tặng người khó trong các khu xóm lao động nghèo… Có nhiều câu chuyện đẹp tương tự như thế ở TP Hồ Chí Minh.

1. “Mời cô tấm vé số mở hàng sáng sớm”, người đàn ông trạc tuổi 60 rón rén đưa tập vé số mời cô gái trẻ đang ngồi trong quán cơm tấm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận). “Mời ông bữa sáng nghen”, cô gái trẻ nói với người bán vé số rồi gọi chủ quán: “Cho tôi thêm dĩa cơm sườn chả nữa nghen”. Cô gái mời ông lão bán vé số: “Ông ngồi xuống đây ăn sáng rồi đi bán”. “Tôi xin cô cho cầm đi để trưa đói có ăn”.

Đang chạy xe trên đường Trường Sa, đoạn hướng từ cầu Trần Quang Diệu về cầu Số 7, người đàn ông chạy Grab vội tấp xe vào lề, cởi vội chiếc áo ngoài màu xanh, đợi bà cụ từ sau đi lại gần, mới cất giọng nói: “Nhà bà ở đâu, lên xe con chở giúp về nhà nè, trưa nắng quá”. “Không, tôi không đi đâu”. Thấy bà cụ có vẻ ngập ngừng, người đàn ông nói: “Bà cứ lên xe con chở về một đoạn, giờ này con tắt điện thoại, không nhận cuộc gọi từ tổng đài đi cho khách nào hết”. Nài nỉ một hồi, bà cụ mới chịu lên xe cho ông graber chở về nhà trên đường Phạm Văn Hai, phường 5 (quận Tân Bình).

Đem câu chuyện trên kể với chàng trai trẻ gần nhà chạy xe công nghệ, cậu ấy nói: “Cánh xe công nghệ tụi con cũng hay làm việc đó mà. Những hôm trưa nóng, nắng cháy da, cổ khát khô, chạy qua một số con đường, tụi con được giải nhiệt từ những thùng nước trà đá của ai đó đặt trên vỉa hè: “Ai khát cứ lấy uống”. Nhiều hôm mải chạy xe, quá bữa không biết ăn ở đâu cũng nhờ đến phần cơm từ thiện của những mạnh thường quân đứng ven đường trao tận tay. Giúp ai cuốc xe cũng là cách trả lại ly nước, bữa cơm nhận được trên cuộc mưu sinh khó nhọc nơi đường phố này thôi chú…”.

Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện nhỏ chứa đựng tình người trên đường phố hàng ngày mà nhiều người bất chợt chứng kiến. Việc thiện không màng đến chuyện lớn hay nhỏ, miễn là có cơ hội được giúp ai đó trong cuộc mưu sinh khó nhọc, hay người trong hoạn nạn khó khăn!

2. “Anh ơi, em và cô bạn mới kiếm mua được 1.000 bộ quần áo mới cho trẻ em, nhờ anh chuyển tặng đến các bé trên vùng núi cao Trường Sơn nghen. Trên đó bà con mình đang rất cần trong mùa rét buốt này”. Năm nào cũng vậy, cứ vào tiết trời đầu đông là chị Lê Lan, một doanh nhân ở quận Tân Phú cũng nhắn gọi nhờ tôi gửi tặng quần áo đến người nghèo ở những vùng xa khó khăn, rét mướt. Năm ngoái hơn 1.000 áo ấm được chị gửi lên tặng các bé ở một trường mẫu giáo thuộc huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai).

Năm nay, chị và người bạn tìm mua được 1.000 bộ quần áo lại nhờ tôi chuyển ra các đơn vị biên phòng tỉnh Nghệ An và Quảng Bình để phát tặng cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới Trường Sơn và thêm 100 bộ quần áo mới gửi ra tận xã biên giới Mường Lói, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).

3. Không biết từ bao giờ, người dân TPHCM thường gọi con hẻm nhỏ 96 đường Phan Đình Phùng, phường 2 (quận Phú Nhuận) là “Hẻm lòng tốt”. Con hẻm chỉ gần 200m nhưng có đến hơn 10 dịch vụ miễn phí dành cho những người khó khăn. Ngay đầu hẻm là ông Đỗ Văn Út làm nghề bơm vá, sửa xe hơn 40 năm nay. Tiền công sửa xe trong ngày cao lắm là vài trăm ngàn đồng nhưng quá nửa được ông Út dành làm việc thiện. Ngay cạnh chỗ sửa xe, ông đặt 2 thùng trà đá lớn in dòng chữ “Ai khát cứ lấy uống”. Cách chỗ ông Út sửa xe không xa có treo một tủ thuốc và dụng cụ y tế sơ cứu người không may bị thương tích do tai nạn. Trong tủ nhỏ ấy là những loại thuốc thông thường: cảm, ho, sổ mũi, tiêu chảy... để ai đó đi đường cần là cứ đến lấy.

Cùng chung tấm lòng với ông Út, còn có nhiều cư dân trong con hẻm nhỏ này, ai bán cơm, bán phở, bún, chạy xe thì sẵn lòng giúp người khó, người tàn tật bữa ăn, cuốc xe ôm miễn phí; ai có dư mặc thì mang ra nhờ chuyển đến tay người nghèo tấm áo, tấm quần... Nhiều trường hợp khó khăn có người thân mất, không tiền lo hậu sự cũng được bà con gom lại mỗi người một chút lo chôn cất miễn phí…

Hay còn nhớ, trong những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành năm 2020, ở mặt tiền Trung tâm Hiến máu nhân đạo số 106 đường Tân Phước, phường 9 (quận Tân Bình) là dòng người đội nắng xếp hàng chờ tới lượt để vào hiến máu cứu người - được lan truyền trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, YouTube…

Có một TPHCM như thế, mỗi người đều có cách riêng của mình vun bồi cho giá trị của cuộc sống nghĩa tình, sẻ chia, là cho đi yêu thương vô điều kiện!

Tin cùng chuyên mục