Còn với thị trường Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc..., sản phẩm dệt may, da giày, nông sản và thực phẩm chế biến của doanh nghiệp Việt cũng chiếm áp đảo sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia khác.
Ở góc độ chất lượng, những thị trường xuất khẩu được xếp hạng truyền thống và chủ lực của Việt Nam là những thị trường phát triển, khó tính nhất nhì thế giới như Mỹ, 28 nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tại những nước này, rào cản kỹ thuật về chất lượng sản phẩm, yếu tố an toàn về môi trường, vệ sinh thực phẩm được cho là khắt khe nhất thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam vẫn đứng tốp đầu về số lượng cũng như giá trị xuất khẩu. Thậm chí, ngay khi sản phẩm Việt Nam không được hưởng những lợi thế ưu đãi về thuế suất xuất khẩu, bị đánh thuế chống bán phá giá với mức rất cao thì sản phẩm Việt Nam vẫn có những chỗ đứng vững chắc tại những thị trường này.
Những minh chứng trên đã cho thấy, không thể phủ nhận sản phẩm Việt Nam đang có chất lượng tốt, được thị trường thế giới tin cậy. Thế nhưng, ngược lại, sản phẩm Việt lại thiếu chỗ đứng ngay trên chính sân nhà. Lý giải nguyên nhân này, nhiều doanh nghiệp cho rằng tâm lý ưa chuộng tiêu dùng hàng ngoại đã ăn sâu vào ý thức của người tiêu dùng Việt. Mặt khác, tình trạng buông lỏng quản lý khâu kiểm soát thị trường đã tạo cơ hội để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng của một bộ phận cơ sở sản xuất tư nhân trong nước phát triển. Không chỉ vậy, hàng nước ngoài chất lượng kém, đánh tráo nguồn gốc hàng Việt cũng trà trộn vào thị trường nội địa diễn ra khá phổ biến. Điều này đã làm mất niềm tin của người tiêu dùng Việt với hàng nội địa.
Không dừng lại đó, mặc dù Chính phủ đã có những quy định ưu tiên mua sắm công là sản phẩm nội địa, nhưng tại nhiều cơ quan chức năng, trong quy định hồ sơ tham gia thầu vẫn ưu tiên hàng ngoại nhập hoặc đưa ra những tiêu chuẩn có lợi cho hàng ngoại. Thực tế này đã và đang buộc rất nhiều doanh nghiệp nội phải chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ ra nước ngoài rồi chuyển ngược về Việt Nam, làm tăng chi phí sản xuất, giảm nội lực cạnh tranh của hàng nội. Điều đáng lo ngại hơn là việc thiếu ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống phân phối nội địa, thay vào đó là ưu tiên đầu tư cho hệ thống phân phối ngoại tại nước ta, khiến khả năng tiếp cận thị trường nội địa của hàng Việt vốn đã hẹp lại ngày càng thu hẹp hơn.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực kiểm soát chặt hơn thị trường nội địa để trả lại công bằng cho những thương hiệu Việt chân chính. Đối với thu hút đầu tư, cần minh bạch và tạo cơ hội thuận lợi cho sản phẩm nội địa cũng như hệ thống phân phối nội địa phát triển. Riêng doanh nghiệp nội, cần tính đến yếu tố đầu tư phát triển thương hiệu, từng bước xây dựng và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Việc giữ được thị phần nội địa được xem là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp Việt vươn xa hơn ở thị trường nước ngoài