“Chợ Lifsap” ở Vĩnh Hưng

Chợ “sạch” trong thị trấn
“Chợ Lifsap” ở Vĩnh Hưng

Không có những đại siêu thị như khu vực trung tâm của các thành phố lớn, song cái tên chợ Bàu Sậy - người dân thường gọi “chợ Lifsap” ở thị trấn Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đang là mô hình thương mại phục vụ sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân với không gian sạch đẹp, thoáng đãng.

Một góc “chợ Lifsap” ở thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Một góc “chợ Lifsap” ở thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Chợ “sạch” trong thị trấn

Cách TPHCM hơn 100km, trị trấn nhỏ Vĩnh Hưng gồm khoảng 11.000 cư dân sinh sống, trên diện tích 150ha. Địa giới nằm giáp ranh với láng giềng Campuchia thuộc khu vực biên giới Tây Nam. Đến thị trấn nhỏ này, điều khiến mọi người cảm thấy “lạ” nhất là rất hiếm tìm ra những gánh hàng rong hay những người dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường như những hình ảnh luộm thuộm, nhếch nhác thường thấy ở các đô thị lớn và cũng không có những siêu thị mua bán hoành tráng. Chính vì lẽ đó, cách duy nhất để có thể mua sắm là tìm đến “chợ Lifsap” đang tồn tại chính quy, quy mô duy nhất ở thị trấn nhỏ này trong vòng bán kính khoảng 500m, tính từ vị trí trung tâm thị trấn Vĩnh Hưng.

Chợ Bàu Sậy được xây dựng từ năm 2006 trên khu đất quy hoạch chợ lâu dài thuộc khu dân cư Bàu Sậy, thị trấn Vĩnh Hưng với diện tích hơn 6.500m2, gồm 2 khu nhà lồng và trên 250 sạp, tổng vốn đầu tư trên 2,4 tỷ đồng. Ngay từ khi vừa xây dựng xong, ngoài vị trí rộng thoáng, thiết kế bài bản, chợ Bàu Sậy cũng giống với bao ngôi chợ khác ở những vùng thị trấn thuộc khu vực nông thôn. Tuy nhiên, chợ bắt đầu “lột xác” và trở thành nơi mua sắm tin cậy của người dân kể từ khi Ban Quản lý Dự án Lifsap Long An đầu tư xây dựng khu bán thịt tươi sống (đã qua giết mổ) với quy mô 80 sạp đạt chuẩn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng từ thời điểm đó, sau khi tổ chức, sắp xếp lại, chợ Bàu Sậy trở thành điểm mua bán văn minh, sạch đẹp nhất tại nơi đây nên được người dân hưởng ứng và gọi yêu là “chợ Lifsap”. “Trước đây, mỗi lần đi mua sắm ở chợ cũ, chúng tôi phát hoảng vì ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh. Mỗi lần trời mưa đường sá ngập lênh láng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, chưa kể chuột bọ, gián… bò lúc nhúc ngay cạnh thịt, cá bày bán, nhưng cũng phải nhắm mắt mua vì không còn chỗ nào khác. Tuy nhiên, từ ngày có “chợ Lifsap”, các gian hàng bày bán ngăn nắp, có hệ thống, đặc biệt toàn bộ sản phẩm tại chợ đều đảm bảo an toàn vệ sinh theo tiêu chuẩn, giá cả cũng rẻ nên chúng tôi rất yên tâm”, bà Nguyễn Thị Bé, ngụ khu phố 1, thị trấn Vĩnh Hưng cho biết.

Trong khi đó, hầu hết tiểu thương tại chợ Lifsap rất vui mừng kể từ khi được dời từ chợ cũ về chợ mới này. “So với chợ cũ, chợ mới thuận lợi hơn nhiều mặt. Ngoài đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy chuẩn, chợ có vị trí thuận lợi đường bộ lẫn đường sông nhờ nằm cạnh bên. Đặc biệt, đường sá quanh chợ quy hoạch rộng thoáng và có bãi đậu xe thuận tiện… Các gian hàng cũng rất rộng thoáng và ngăn nắp nên giúp bà con cũng như tiểu thương chúng tôi thuận tiện trao đổi mua bán” - ông Vũ Minh Phương, chủ sạp bán thịt heo, chợ Bàu Sậy vui vẻ nói.

Kiên quyết dẹp chợ tạm, hàng rong

Để có được “chợ Lifsap” phục vụ thực phẩm sạch và văn minh cho bà con như ngày hôm nay, đồng thời kiên quyết với nạn tụ tập chợ tạm, buôn bán hàng rong… gây nhếch nhác trên địa bàn, chính quyền thị trấn Vĩnh Hưng đã phải huy động cả hệ thống chính trị, cũng như kiên trì vận động sự ủng hộ, ý thức của người dân lẫn tiểu thương.

Ông Trương Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng cho biết, trước đây do địa phương chưa có quy hoạch xây dựng chợ nên bà con tiểu thương tự nhóm chợ dọc bờ Kinh 18. Đến năm 2001, thực hiện giải tỏa để thi công bờ kè bê tông chắn lũ thuộc cạnh phía Nam đê bao thị trấn Vĩnh Hưng nên di dời chợ vào tạm trên khu đất quy hoạch công viên thuộc khu phố 1, thị trấn Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, chợ tạm này cũng quá tải do diện tích đất nhỏ, chỉ hơn 1.000m2, đường sá chật chội, dân cư đông đúc gây mất an ninh trật tự và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Điệp cho biết: “Trước những bức xúc này, HĐND, UBND huyện đã thống nhất quy hoạch lại hệ thống chợ cũng như đẩy mạnh việc chỉnh trang đô thị. Do đó, chợ Bàu Sậy nhanh chóng được đầu tư xây dựng để ngày nay trở thành điểm mua sắm an toàn, văn minh phục vụ bà con. Song song đó, chúng tôi kiên quyết dẹp các nạn chợ tạm tự phát và hàng rong để trả lại sự thông thoáng cho cảnh quan, giao thông đô thị”. Theo ông Điệp, trong quá trình quy hoạch và di dời chợ, chính quyền đã gặp rất nhiều trở ngại do một số đối tượng muốn “độc quyền, thâu tóm” trong việc mua bán trên địa bàn nên đã kích động chống đối, không chấp hành các chủ trương của địa phương. Đơn cử, trong việc di dời tiểu thương từ chợ tạm Vĩnh Hưng về chợ Bàu Sậy, đến nay vẫn còn 10 chủ sạp luôn tìm cách chống đối, lôi kéo thế lực từ bên ngoài, đồng thời giở thói côn đồ hành hung tiểu thương cũng như chống người thi hành công vụ... nhằm không cho di dời về chợ mới.

“Vì mục đích tư lợi cho một nhóm cá nhân, các đối tượng này luôn tìm cách lôi kéo các phần tử xấu nhằm chống lại các chính sách, trong đó có việc chỉnh trang đô thị của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi luôn chú trọng giải pháp ôn hòa, vận động để các đối tượng này nghiêm chỉnh chấp hành. Chỉ khi các đối tượng quá khích hoặc ngoan cố, chính quyền địa phương buộc phải thực hiện theo pháp luật. Tất cả nhằm mục đích phục vụ lợi ích, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân ngày càng tốt hơn” - ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Hưng nhấn mạnh.

LẠC PHONG - THẢO TIÊN

Tin cùng chuyên mục