
Công trình đuổi chợ

Tiểu thương bày bán chiếm mặt đường Nguyễn Văn Cừ P.Cầu Kho Q.1.
Năm 2003, UBND TPHCM có quyết định phê duyệt dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Văn Cừ nối liền hai quận 5 và 8. Theo thiết kế được duyệt, cầu Nguyễn Văn Cừ có kết cấu bê tông cốt thép dài 526 m, rộng 16,5 m với 4 làn xe cơ giới. Tổng kinh phí dành cho dự án này là 269 tỷ đồng.
Với lộ giới mới 40m, diện tích chợ Nancy giảm từ 720m2 xuống còn 464,7m2. Có khoảng 700 hộ dân, công trình công cộng… phải giải tỏa trên địa bàn các quận 1, 4, 5 và 8, trong đó có chợ Nancy.
Đầu năm 2004, Ban quản lý chợ Nancy ký hợp đồng mượn khu dự án Nhà máy điện miền Nam (383 Bến Chương Dương P.Cầu Kho, Q1) để hơn 100 tiểu thương chợ Nancy bán tạm. Hết hợp đồng, đầu năm 2005 tiểu thương lại được gọi về chợ Nancy cũ. Do diện tích chợ cũ hẹp, tiểu thương đông nên việc buôn bán lấn chiếm ra cả lòng, lề đường Nguyễn Văn Cừ, gây ô nhiễm và ách tắc lưu thông.
Trước tình hình đó, UBND Q1 đã ban hành Quyết định số 425/QĐ-UB ngày 11-5-2004 đầu tư xây dựng chợ Nancy với quy mô 1 hầm, 1 trệt, 2 lầu, tổng diện tích xây dựng 1.020m2 với kinh phí là 4 tỷ đồng. Nhiều lần UBND quận 1 tổ chức lấy ý kiến, phần lớn tiểu thương cho rằng xây chợ kiểu này sẽ ít người vào chợ vì khách mua hàng ngại lên lầu. UBND Q1 nhận thấy việc xây dựng chợ Nancy theo phương án này là không khả thi nên quyết định không đầu tư xây dựng.
Trong thời gian chờ sự chỉ đạo của UBND TP, UBND Q1 cho xây chợ tạm Nancy. Tháng 6-2006, chợ tạm được xây xong. Theo Ban quản lý dự án quận 1, chợ tạm có 70 ô trong nhà lồng và 30 ô trên lộ giới (đã quy hoạch làm đường) với kinh phí xây dựng 300 triệu đồng. BQL mời tất cả các tiểu thương vào khu chợ, yêu cầu các tiểu thương bán tại 30 ô trên lộ giới phải làm cam kết nếu sau này giải tỏa làm đường thì tự chịu trách nhiệm.
Theo kế hoạch, ngày 15-10-2006, chợ được đưa vào hoạt động, nhưng nhiều tiểu thương đã không chịu vào. Họ đặt vấn đề, Nancy chỉ xây tạm thời, sau này họ phải dời nơi khác; nếu bán trên 30 ô thuộc lộ giới quy hoạch họ bị mất trắng khi giải tỏa; bán tại 70 ô thì diện tích quá chật hẹp, khách hàng ngại vào. Thế là các tiểu thương tiếp tục bán trên lòng, lề đường mặc cho chợ tạm “vườn không nhà trống”.
Đền bù cho tiểu thương, bao giờ?
Theo công văn số 2028/UBND-KT ngày 28-8-2007 của UBND Q1, Q1 đang kêu gọi chủ đầu tư cả hai dự án tại khu đất chợ Nancy và chợ Cầu Kho để xây dựng căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại (0,37ha) phù hợp với sự phát triển đô thị. Do đó, UBND Q1 sẽ tiến hành giải tỏa và hỗ trợ cho các tiểu thương tại 2 chợ này để chuyển đổi ngành nghề theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UB ngày 22-01-2007 của UBND TP về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí di dời, chấm dứt hoạt động cải tạo đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn TP.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế Q1, trong thời gian UBND Q1 kêu gọi đầu tư, các hộ kinh doanh tại chợ Nancy nên vào chợ tạm Nancy kinh doanh. UBND Q1 giao UBND P.Cầu Kho sắp xếp các hộ kinh doanh không để phát sinh hộ kinh doanh mới, không làm ảnh hưởng đến dự án cầu đường Nguyễn Văn Cừ. Trong khi chờ thực hiện dự án, UBND Q1 giao Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Phòng kinh tế, UBND P.Cầu Kho, chuẩn bị các phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh tại chợ Nancy và Cầu Kho.
Ông Tạ Hoài Nam, Chủ tịch UBND P.Cầu Kho Q1, cho biết: “việc phường lập danh sách tiểu thương được bồi thường theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UB ngày 22-01-2007 của UBND TP là việc phải làm. Tuy nhiên, UBND phường muốn các tiểu thương có được khoản tiền đền bù từ chủ đầu tư làm dự án trên, nên phải chờ UBND Q1 tìm được chủ đầu tư để đền bù một thể cho họ.
Chợ thì đã có quyết định giải tỏa mà các tiểu thương thì chưa được đền bù. Đời sống của gia đình họ đang bị ảnh hưởng nhiều.
Ngọc Hiếu