Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam khẳng định, vào năm 2010, sẽ bắt đầu khai thác thử nghiệm bể than với trữ lượng lên tới 210 tỷ tấn ở đồng bằng sông Hồng, gấp 20 lần trữ lượng ở tỉnh Quảng Ninh. Trong đó 90% than là tập trung ở tỉnh Thái Bình, còn lại là tỉnh Hưng Yên. Trước thông tin này, nhiều nhà khoa học cũng như người dân và các chính quyền địa phương không khỏi lo ngại những hậu quả về môi trường và xã hội sẽ xảy ra.
Ông Vũ Mạnh Hiền, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Thái Bình cho rằng, dù áp dụng công nghệ than hóa khí cũng nên phải cân nhắc kỹ, bởi trong trường hợp đưa khí oxy xuống đốt than thì các mỏ than sau khi cháy sẽ co lại và chắc chắn gây sụt lún trên diện rộng. Đồng thời để đốt oxy trong các mỏ than thì bắt buộc phải làm khô các tầng đất ngầm bên dưới và như vậy chắc chắn sẽ làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.
Thái Bình là một trong những vựa lúa ở miền Bắc, hiện năng suất lúa đã đạt 70,35 tạ/ha. Theo ông Phạm Chí Hùng, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, hiện ở đây đang có 90.000ha đất dành trồng lúa và khoảng 1 triệu nông dân sống nhờ hạt lúa. Nếu khai thác than trên diện rộng sẽ không đảm bảo được an ninh lương thực.
Trên cánh đồng xã Nam Hải, huyện Tiền Hải (Thái Bình), ông Phạm Văn Trường, 72 tuổi, một lão nông đang thu hoạch lúa, giãi bày rằng: “Từ lâu chúng tôi cũng biết là ở bên dưới làng mạc chúng tôi đang ở có bể than lớn. Nhưng bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ cũng chẳng ai nghĩ rằng sẽ có ngày lật tung cả vùng đất rộng lớn mênh mông để móc than lên, bởi làng mạc đều đã ken dày, ổn định cả rồi”.
Ông Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Tây Lương (Tiền Hải-Thái Bình) nói rằng: “Thời gian gần đây, nghe tin khu vực hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên sắp có dự án khai thác than trong lòng đất, mà chưa biết chính xác là ở xã nào, huyện nào nên hầu như bà con đều rất lo âu vì mọi người đều hình dung rằng các cánh đồng lúa phì nhiêu, màu mỡ sẽ bị khô héo, rồi xe chở than chạy khắp nơi, làng xóm ô nhiễm, không gian văn hóa làng bị đảo lộn”.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình, đồng thời là ủy viên Hội đồng Thẩm định đề án khai thác bể than đồng bằng sông Hồng, cho rằng: “Nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn. Chỉ riêng về than, mục tiêu đặt ra là phải có 90 triệu tấn/năm trong khi mỏ than Quảng Ninh hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50 triệu tấn/năm nên chúng ta cần phải đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu, khai thác bể than đồng bằng sông Hồng. Quan điểm của chúng tôi là cho thúc đẩy quá trình khai thác thử nghiệm, ở quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ phù hợp thì mới có thể kết luận được việc khai thác có hại hay không. So với nông nghiệp, rõ ràng khai thác nguồn than mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, Hội đồng Thẩm định chúng tôi mới đề nghị Chính phủ cho Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam tiến hành khai thác”.
Theo đề án an ninh lương thực đã trình Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu mà chúng ta đặt ra là phải quyết tâm giữ được 3,8 triệu ha đất cho nông nghiệp, và 600.000 ha còn lại tùy từng tình hình mà linh hoạt chuyển đổi giữa trồng lúa nước và các cây trồng khác, nhưng không được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Đối với đồng bằng sông Hồng, trong đó các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên được xác định là trung tâm của vùng trồng lúa nước, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát lại diện tích lúa nước một cách chi tiết để bảo vệ và trình Chính phủ vào quý 2-2010.
Ông Nguyễn Trí Ngọc nói: “Bởi vậy, việc khai thác than ở vùng đồng bằng sông Hồng sẽ ảnh hưởng cả về an ninh lương thực lẫn môi trường. Do đó, mục tiêu mà chúng ta cần phải làm là nên cân nhắc giữa việc bảo vệ diện tích lúa nước và khai thác nguồn nhiên liệu để làm sao việc phát triển kinh tế xã hội được cân bằng, ổn định”. Được biết, nếu việc khai thác than diễn ra thì tổng diện tích đất đai bị ảnh hưởng lên tới khoảng 3.500km² và cuộc sống của 180.000 hộ dân ở Bắc bộ sẽ bị ảnh hưởng.
VĂN PHÚC HẬU
TS Phạm Văn Quang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất và môi trường:
Nên để dành tài nguyên cho con cháu
Thực ra ở Đức cũng đã từng có một vỉa than như ở nước ta và ngay trong thế chiến thứ hai, người Đức cũng đã tiến hành khai thác bằng công nghệ than hóa khí, than được đốt để sinh ra khí, sau đó để phòng ngừa sụt lún bên trong lòng đất, người ta phun bùn, đất vào các vỉa than đã bị đốt.
Nhưng ở nước ta, do vỉa than nằm ở độ sâu hàng nghìn mét nên việc khai thác, thứ nhất phải tính toán xem có mang lại lợi nhuận không bởi loại than nâu có giá trị nhiệt lượng kém, trong khi công nghệ khai thác và mức đầu tư lại khá tốn kém hơn khai thác lộ thiên hoặc qua hầm lò như ở Quảng Ninh. Thứ hai, chắc chắn sẽ có chỗ phải khai thác kiểu hầm lò hoặc thực hiện các lỗ khoan thì nguồn đất thải sẽ xả đi đâu cũng cần phải cân nhắc kỹ. Chắc chắn không thể rải lên các cánh đồng màu mỡ mà nông dân đang canh tác được.
Vấn đề quan trọng là sẽ lựa chọn công nghệ, giải pháp kỹ thuật nào để việc khai thác không làm xảy ra sụt lún, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, bởi nếu chỉ vì lợi nhuận mà quên hoặc cố tình không hoàn thổ thì hậu quả sẽ thật khó lường. Các điểm sụt lún có thể xảy ra tức thời, nhưng cũng có điểm vài năm, vài chục năm sau mới bị sụt lún. Có nơi sụt lún tại chỗ, có nơi sẽ bị sụt lún dây chuyền, lan tỏa. Nếu được Chính phủ cho phép, trước khi bắt tay vào làm, TKV cũng cần phải khảo sát, thăm dò kỹ về lượng than, địa điểm có thể khai thác thử nghiệm. Theo tôi, việc khảo sát, thăm dò nên giao cho một cơ quan của nhà nước đứng ra làm.
Nhiều nước khác hiện cũng đang tính việc phải bảo tồn các mỏ tài nguyên. Bởi vậy ở nước ta, mặc dù nguồn tài nguyên than có nhiều song cũng nên để dành lại cho con cháu, không nên khai thác theo kiểu nóng vội, chờ khi có đủ năng lực, công nghệ hiện đại, phù hợp hơn.