Ngày 13-3, đông đảo học sinh lớp 12 TP Long Xuyên và tỉnh An Giang đã tham gia và theo dõi chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh 2011 do Báo SGGP, Công ty VNG, Trường ĐH An Giang phối hợp tổ chức. Hàng ngàn học sinh đã mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi với mong muốn ban tư vấn trợ giúp để tự tin đưa ra quyết định quan trọng trong kỳ tuyển sinh sắp tới.
Chọn nghề phù hợp
|
Hôm nay, gần 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước bắt đầu làm hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN năm 2011. Trong đó, việc chọn ngành đăng ký dự thi có một ý nghĩa mang tính bước ngoặt, quyết định đến tương lai học sinh.
Tham dự chương trình với tư cách là thí sinh tự do, em Võ Hoàng Thắng ở tận huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) chạy xe gắn máy từ sáng sớm vượt hơn 40km để đến nghe tư vấn. Năm ngoái, do thiếu thông tin nên Thắng đã chọn một trường đại học quá sức học nên không đủ điểm vào nguyện vọng 1.
“Hôm nay em đến để lắng nghe ý kiến các chuyên gia tư vấn nhằm giúp mình tìm một ngành nghề phù hợp và lựa chọn một trường vừa sức mình”, Thắng cho biết.
Băn khoăn với việc chọn thi khối A hay D, em Trần Thanh Long (Trường THPT Bình Khánh) mạnh dạn đặt câu hỏi: “Đầu năm lớp 10, em chọn khối A nhưng qua quá trình học em thấy mình có ưu thế ở khối D. Vậy em nên chọn khối nào thì hợp với mình hơn?”.
Giải đáp thắc mắc này, PGS-TS Võ Văn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang chia sẻ: “Trước hết, em phải xác định mình thích ngành gì. Sau đó em tìm hiểu ngành đó có những khối thi nào và những trường nào có đào tạo. Em nên xác định năng lực của mình để lựa chọn trường phù hợp”.
Ngồi cùng những học trò của mình, cô Lê Thị Ngọc Loan (Trường THPT Mỹ Thới) vừa ghi chép vừa tâm sự: Với học sinh vùng sâu vùng xa, thông tin tư vấn tuyển sinh hết sức quan trọng vì nó giúp các em có thêm kênh tư vấn trong việc định hướng tương lai. Do đó, ban giám hiệu quyết định tạo điều kiện để học sinh lớp 11, lớp 10 được nghe các chuyên gia tư vấn lựa chọn ngành nghề. Những buổi tư vấn trực tiếp như thế này với học sinh vùng sâu vùng xa bao giờ cũng hữu ích hơn qua sách báo.
Cống hiến cho quê hương
Ngoài việc tư vấn chọn ngành nghề, chọn trường, buổi tư vấn còn giúp học sinh nhận thức rõ hơn về vai trò, nhu cầu của những ngành nghề mà các em chọn phù hợp với năng lực, sở thích đồng thời gợi mở những cánh cửa để các em cống hiến cho tỉnh nhà sau khi ra trường.
Một học sinh đến từ Trường THPT Bình Khánh trăn trở trước ngày đăng ký ngành thi: “Em rất thích học Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhưng với học lực khá, em sợ không vào được trường yêu thích và định chuyển hướng vào Trường ĐH Cần Thơ. Em làm vậy có đúng không?”.
Câu hỏi của em đã nhận được tràng pháo tay cỗ vũ của các bạn học sinh vì nó đã đánh trúng thắc mắc chung của học sinh là làm thế nào để dung hòa giữa sở thích và năng lực bản thân, điều kiện gia đình.
ThS Trần Đình Lý, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM khẳng định: Điều quan trọng là học sinh hãy chọn được nghề yêu thích và phù hợp với bản thân. Kế đến, các bạn cần tìm hiểu kỹ các trường có đào tạo ngành nghề mình đã xác định và cuối cùng là chọn trường có khối thi, điểm chuẩn các năm phù hợp nhất. Tuy nhiên, em cũng không nên chọn những trường vượt quá sức học của mình.
Em Thái Châu, học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chợ Mới) trình bày khó khăn của mình: “Em sống ở huyện Chợ Mới nên tiếp xúc nhiều nhất là ruộng đồng, lúa gạo và bản thân gia đình em cũng sống bằng nghề nông. Gia đình không đủ điều kiện để cho em học đại học nên em tính theo học ngành nông nghiệp vì nghe nói có nhiều ưu đãi. Em sẽ chọn thi vào ngành nông – ngư nghiệp của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và tin chắc rằng khi về quê làm việc sẽ giúp gia đình và nhiều người làm nghề nông bớt khó khăn nhờ vào những kiến thức đã học”.
Trả lời băn khoăn của Châu, đại diện Trường ĐH An Giang khuyến khích: Đối với khu vực ĐBSCL, hiện rất cần những kỹ sư có trình độ cao”.
NHÓM PV