Phải nạo vét lòng sông, lập đài quan sát, tạo trụ điện, phân luồng, đặt phao; nâng cấp tàu ghe, lập lại cảnh quan, bỏ nhà xập xệ ven sông; hỗ trợ giáo dục, y tế; nhà hàng nổi, nhà vệ sinh; an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội… Đã có rất nhiều cuộc họp liên quan đến chợ nổi Cái Răng.
Được “xới” lên là mừng rồi. Nhưng, chợ nổi Cái Răng vẫn “dập dềnh” chảy trôi tự phát. Ngoài bến Ninh Kiều, cả đoạn sông dài hơn 5km đến chợ nổi, hầu như không còn bến tàu du lịch nào đúng nghĩa; ven sông nhô ra cả chục vựa vật liệu xây dựng, trạm xăng… Đặc biệt, ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng.
Nhâm nhi cà phê ở bến tàu du lịch An Bình (chân cầu Cái Răng), chúng tôi chứng kiến cả chục lần chị em vô tư “tự xử” hàng chồng thau chậu, rổ rá, chén dĩa. Bọt xà bông trắng xóa “quấn quýt” cùng bịch ni lông, hộp xốp… “Mỗi ngày cả tấn rác được thải trực tiếp xuống sông”, đại diện quận Cái Răng thừa nhận. Đã có những chỉ số rất đáng lo ngại từ khách nước ngoài: tương đối ô nhiễm (40,0%), ô nhiễm nặng (23,3%)! Khoảng 80% số du khách ngập ngừng, không muốn quay lại (Khoa Kinh tế - Đại học Cần Thơ).
Nhịp sống chợ nổi Cái Răng.
“Chỉ sau 5 năm, số lượng tàu ghe giảm sút khoảng 50%, hiện chỉ còn 250 ghe tàu hoạt động trên chợ”, bà Triệu Tú Nga, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Cần Thơ cảnh báo. 5 năm tới, chợ nổi này sẽ ra sao? “Chợ nổi còn nổi nữa thôi, bỏ ghe lên bờ ráo trọi. Mất tiêu chợ nổi Cái Răng bây giờ!”, ông Ba Hùng, 54 tuổi, hơn nửa đời người trên khúc sông này, nói bực dọc.
Nhiều khi người ta quên đi chữ “truyền thống”, vô tình dập vùi chợ nổi từ các quyết định hành chánh “khô khan”. Chợ nổi luôn phải gắn liền với “bến chợ” trên bờ, tiếp chuyển sinh lực cho nhau. “Công thức” tiền nhân đã chọn vậy rồi. Bài học nhãn tiền từ chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Ngã Bảy đã xa? “Gặp em Ngã Bảy hò ơ! Dòng sông bảy ngã tìm em ngả nào?”. Khi di dời ra Ba Ngàn, cách vị trí cũ 3km, chợ nổi Ngã Bảy “nổi nhất trong các chợ nổi” thời bấy giờ lập tức “chết” tức tưởi, tuột trôi hết vào dĩ vãng, đổi thay hẳn một vùng quê.
Ông Huỳnh Phong Tranh, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, tâm sự: Để phục hồi, trước tiên, phải cần ít nhất trên 50 tỷ đồng! Bây giờ, hơn 15 năm sau, người ta đang cố khôi phục lại. Liệu “cảnh xưa người cũ” có trùng phùng sum họp?
Nhịp sống hiện đại, giao thông bộ phát triển, chợ nổi “không đánh cũng tàn”, nhưng chợ nổi vẫn là một kênh phân phối, giao thương cần thiết khi nông nghiệp vẫn là bệ đỡ nền kinh tế nhiều năm nữa. Ghé thăm chợ nổi Damnoen Saduak (Rachaburi - Thái Lan) “đông đúc nhất thế giới” mới thấy tính năng động, chuyên nghiệp của bạn. Damnoen Saduak chỉ là một con kênh cải tạo lại, chiều ngang nhỏ hẹp, hai bờ xây kè phân lô san sát bán đồ lưu niệm. Dưới kênh dập dìu xuồng ghe hoa quả, dược liệu, ẩm thực... Mỗi ngày hàng ngàn du khách khắp nơi đổ về.
Thời hội nhập, chợ nổi cũng phải văn minh, chuyên nghiệp, khoa học hơn. Cả đội tàu của Công ty CP Du lịch Cần Thơ đã mất trong khi “Cái Răng chẳng thu được gì từ chợ nổi”. Du lịch là dịch vụ “ăn theo”, các ghe tàu du lịch, công ty lữ hành cần có trách nhiệm đóng góp... Lượng khách miền Trung đang “ngả dần phương Nam” với công suất đạt trên 80% số ghế từ khi mở đường bay Đà Nẵng - Cần Thơ. “Không có chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ… sẽ giảm khách quốc tế”, “Ben” (Benoit Perdu), người Pháp, chủ đội tàu cao cấp đưa đón khách dọc dòng Mekong đoán chắc. Người Cần Thơ đang thụ hưởng “lộc trời”, “của để dành” từ cha ông. Trách nhiệm cháu con thật lớn.
|
VŨ THỐNG NHẤT