Chống thất thu thuế - Tăng máy soi, chiếu, ứng dụng công nghệ

Lâu nay, tại các buổi đối thoại, ý kiến phản ánh nhiều nhất là về quy định, thủ tục trong công tác cải cách hành chính. Các ý kiến đều tập trung ở việc quy định luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ ở cửa khẩu hải quan, khi mà nhiều vụ buôn lậu tày trời bị phát hiện lại là ở luồng xanh; việc quyết toán thuế, hoàn thuế thủ công nên nhờ không xong thì phải “cưa” phần… Do vậy, giải pháp nào để chống thất thu thuế là câu hỏi “nóng” của các ngành chức năng hiện nay.
Chống thất thu thuế - Tăng máy soi, chiếu, ứng dụng công nghệ

Lâu nay, tại các buổi đối thoại, ý kiến phản ánh nhiều nhất là về quy định, thủ tục trong công tác cải cách hành chính. Các ý kiến đều tập trung ở việc quy định luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ ở cửa khẩu hải quan, khi mà nhiều vụ buôn lậu tày trời bị phát hiện lại là ở luồng xanh; việc quyết toán thuế, hoàn thuế thủ công nên nhờ không xong thì phải “cưa” phần… Do vậy, giải pháp nào để chống thất thu thuế là câu hỏi “nóng” của các ngành chức năng hiện nay.

Khi người tư vấn “lách” là tay trong…

Theo bà Hương Vũ, thành viên Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện nay còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp thì kêu khổ khi hoàn thuế, trong khi cơ quan thuế kêu thất thu thuế do các thủ đoạn gian lận trong việc hoàn thuế. Do vậy, việc hoàn thuế GTGT từ ngân sách nhà nước luôn là một lĩnh vực đòi hỏi phải có quy trình xử lý chặt chẽ. Tuy nhiên, theo bà Hương Vũ, việc tăng thêm thủ tục, giấy tờ không thực sự ngăn cản được hành vi gian lận thuế. Ngược lại, nó còn đi ngược với xu hướng cải cách hành chính để xây dựng môi trường kinh doanh thoáng cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay đang tồn tại hai hình thức gian lận thuế GTGT phổ biến trong hoàn thuế là ngụy tạo hồ sơ xuất khẩu và ngụy tạo hồ sơ nộp thuế GTGT đầu vào trong trường hợp có hàng hóa thực để xuất khẩu nhưng không nộp thuế GTGT đầu vào. Để tránh thất thu thuế ở lĩnh vực này, cơ quan thuế cần phải nâng cao cảnh giác và ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát hồ sơ hoàn thuế, quy trình hoàn thuế một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng.

Khai thuế điện tử tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh Cao Thăng

Đối với cán bộ, phải kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Thực tế, ngành thuế mất uy tín trong dân vì chính cán bộ bị mua chuộc để đứng về phía doanh nghiệp, tư vấn cho doanh nghiệp trốn thuế để trục lợi. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, cán bộ thuế địa phương thường “lách” quy trình kiểm tra bằng cách điện thoại kêu doanh nghiệp lên (theo quy định muốn kiểm tra tại doanh nghiệp phải có quyết định của chi cục trưởng và gửi thông báo cho doanh nghiệp biết trước 3 ngày). Khi doanh nghiệp lên thì “hù” sẽ phạt chỗ này, cái kia, hoặc thỏa thuận giá chung chi thì mới hướng dẫn cho doanh nghiệp bổ sung các loại giấy tờ. Có nơi, cán bộ ra giá “bao” luôn hồ sơ quyết toán thuế! Đương nhiên, như thế Nhà nước sẽ bị thất thu.

Cần tăng cường máy móc, công nghệ

Do đó, yếu tố quan trọng để ngăn chặn gian lận thuế là cần phải hiện đại hóa công tác quản lý thuế và hải quan. “Khi các dữ liệu của cơ quan thuế và cơ quan hải quan được chia sẻ, hệ thống quản lý thuế và hải quan được liên kết chặt chẽ thì sẽ giảm thiểu những kẽ hở trong hồ sơ giấy tờ”, các chuyên gia nói. Khi máy móc được ứng dụng liên thông các khâu thì doanh nghiệp gian lận khó có cơ hội để làm giả hồ sơ xuất khẩu. Mặt khác, khi hệ thống quản lý thuế được hoàn thiện, thông tin về giao dịch cũng như thông tin về người mua và người bán cùng khớp nhau trên hệ thống quản lý của cơ quan thuế, việc kiểm tra số thuế đầu vào của người mua với số thuế đã nộp ở đầu ra của người bán sẽ dễ dàng hơn, việc hoàn thuế sẽ có cơ sở rõ ràng hơn. Như vậy, sẽ không còn chuyện ngân sách phải hoàn khống cho số thuế chưa bao giờ được nộp.

Để có được hệ thống quản lý thuế và hải quan hiện đại đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, ngành thuế có thể sẽ phải từng bước xây dựng, ứng dụng công nghệ và quan trọng là đào tạo lực lượng cán bộ giỏi chuyên nghiệp. Trước mắt, để khắc phục những bất cập, cơ quan thuế cần tập trung vào việc rà soát, phân loại các doanh nghiệp rủi ro cao về thuế. Tăng cường kiểm tra, giám sát giao dịch của các đối tượng nhiều rủi ro, để theo dõi “đầu vào”, “đầu ra” hàng hóa. Điều đó không những chống thất thu thuế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, xây dựng môi trường kinh doanh trong sạch, bình đẳng.

Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng, cửa hải quan rất quan trọng. Do vậy, cơ quan chức năng cần hiện đại hóa quản lý để theo kịp sự phát triển. Cụ thể là tăng cường máy soi, máy chiếu để tăng tỷ lệ kiểm tra hàng hóa qua máy. Cơ quan thuế và hải quan cũng nên chú trọng và xem xét nhiều hơn đến thực tiễn hoạt động kinh doanh hơn là hồ sơ giấy tờ, đặc biệt đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh tại trụ sở của doanh nghiệp cũng là một kênh thông tin thực tế làm cơ sở cho việc đánh giá và phân loại doanh nghiệp, để có những phương thức quản lý phù hợp với từng đối tượng nộp thuế.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục