Khi nỗi ám ảnh tiêu cực và mối lo ngại về sự bất minh ngày càng lớn dần trong môi trường thể thao thế giới, trách nhiệm giám sát và xử lý không còn thuộc về bất cứ quốc gia nào nữa, mà thuộc về cộng đồng thế giới. Cho nên, việc Liên hiệp quốc mới đây đã tổ chức Hội nghị bảo vệ thể thao khỏi tiêu cực tại Vienna (Áo) đã thu hút hơn 110 chính phủ, các tổ chức thể thao quốc tế, giới học thuật, khu vực tư nhân cùng tham dự, trong đó có phái đoàn của ngành thể dục - thể thao (TDTT) Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung bàn sâu những vấn đề pháp luật và thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng trong thể thao; nâng cao nhận thức về các cơ chế hợp tác như Đối tác quốc tế phòng, chống tham nhũng trong thể thao (IPACS), thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong thể thao, giải quyết các nguy cơ tham nhũng có liên quan đến các sự kiện thể thao lớn, tăng cường quản trị tốt trong thể thao, phòng và chống thao túng thành tích, sử dụng doping mang tính hệ thống trong các giải đấu và cách thức nhằm chấm dứt cá cược bất hợp pháp…
Tất cả đều xuất phát từ thực tế: Giới chức thể thao thế giới tại IOC (Ủy ban Olmpic quốc tế) cho hay tại các tổ chức xã hội nghề nghiệp như FIFA (bóng đá), ITF (quần vợt), cử tạ (IWF), UCI (xe đạp)… như “ngồi trên lửa” vì không kiểm soát được tình trạng hối lộ và nhận hối lộ, dàn xếp kết quả đăng cai sự kiện thể thao quốc tế quan trọng.
Nổi bật là vụ bê bối tham nhũng đã trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 100 năm của FIFA do Cục Điều tra Liên bang Mỹ và cảnh sát Thụy Sĩ công bố hồi năm 2015. Thậm chí, cường quốc thể thao Nga rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trước thềm Olympic 2016, khi hàng loạt quan chức, HLV và VĐV môn điền kinh, quần vợt bị phát hiện tổ chức sử dụng và cung cấp chất cấm để mưu cầu thành tích cao suốt nhiều năm liền. Tại Mỹ, huyền thoại đua xe đạp Lance Armstrong bị tước hầu hết danh hiệu ở giải đua danh giá Tour de France vì dùng doping trong thời gian dài. Chưa kể, làng cử tạ thế giới từng nhiều phen dậy sóng với các vụ phát hiện doping ở nhiều quốc gia mạnh bộ môn này như Triều Tiên, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí là cả Việt Nam (đã có 3 VĐV bị phát hiện doping và nhận án cấm thi đấu dài hạn)…
Theo đánh giá của nhà chức trách, thể thao sẽ không hoàn thành được vai trò thúc đẩy hòa bình và đạt được mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70, diễn ra vào tháng 9-2015 ở New York, Mỹ) nếu nó bị hoen ố bởi các hành vi phạm tội và tính toàn vẹn của các sự kiện thể thao trung thực bị ảnh hưởng bởi vấn nạn tham nhũng, tiêu cực.
Cộng đồng thể thao thế giới, dưới sự chứng kiến của “trọng tài” Liên hiệp quốc, đã đi đến những thống nhất quan trọng, trong đó xem việc thực thi Công ước Phòng, chống tham nhũng của Liên hiệp quốc như một bước ngoặt trong nỗ lực quốc tế nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong thể thao.
Đối với riêng thể thao Việt Nam, nơi được đánh giá là đang phát triển, ngành TDTT cùng các cơ quan hữu quan thời gian qua cũng đã mạnh tay xử lý các vụ việc tiêu cực nổi cộm. Gần đây nhất là hình thức xử lý nghiêm khắc của VFF trước vụ việc CĐV Nam Định bắn pháo dù khiến một nữ CĐV bị thương nghiêm trọng. Trước đó, rất nhiều tuyển thủ quốc gia, cầu thủ các đội bóng bị xử lý hình sự vì dàn xếp trận đấu. Không ít trọng tài bóng đá, bóng chuyền bị treo còi dài hạn hoặc vĩnh viễn vì liên quan đến việc móc ngoặc, nhận hối lộ để thay đổi kết quả trận đấu.
Tuy nhiên, để TDTT của Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa, đi đôi với biện pháp “chống” là đẩy mạnh công tác phòng ngừa tiêu cực bằng nhiều chương trình hành động cụ thể, nhất là việc bồi dưỡng nghiệp vụ làm thể thao trung thực và cao thượng cho quan chức, HLV, VĐV cũng như các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động thể thao.