Điều đó phần nào cho thấy, đã qua thời phim thành công dựa nhiều vào “sự may mắn”, khán giả ngày càng trở nên khắt khe chọn lọc, và hơn hết đã dần tạo ra một thị trường điện ảnh cạnh tranh đúng nghĩa.
Với điện ảnh trong nước, những bộ phim ăn khách gần đây luôn gắn liền với tên tuổi của 2 nhà làm phim - đạo diễn Lý Hải và Trấn Thành. Suốt nhiều năm, hai cái tên này gần như độc chiếm phòng vé và là những đạo diễn đầu tiên chạm mốc ngàn tỷ đồng (tính tất cả các phim). Doanh thu 332 tỷ đồng của Bộ tứ báo thủ hay hơn 220 tỷ đồng của Lật mặt 8: Vòng tay nắng vẫn là những con số mơ ước với bất kỳ nhà làm phim nào. Nhưng đối với các nhà làm phim - đạo diễn Trấn Thành và Lý Hải, đó có thể xem là bước lùi không chỉ ở mặt doanh thu, mà còn uy tín cá nhân khi cả hai phim mới nói trên của 2 đạo diễn đều nhận được nhiều đánh giá chưa hài lòng về chất lượng! Trong khi đó, thị trường điện ảnh đang xuất hiện những bộ phim chạm đến cảm xúc khán giả, được đón nhận khá tích cực.
Trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và đang trên đà tăng trưởng, sự cạnh tranh nội bộ giữa các phim Việt là tín hiệu tích cực. Sau khi cán cân phim nội - ngoại dần trở nên cân bằng, thậm chí phim Việt có phần lấn lướt, thì việc các tác phẩm nội địa đối đầu nhau tại phòng vé chính là “thuốc thử” cần thiết. Nó không chỉ mang đến cho khán giả thêm lựa chọn, tạo điều kiện để họ so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua vé mà quan trọng hơn, sự cạnh tranh này thúc đẩy các nhà làm phim không ngừng nâng cao chất lượng. Bởi yếu tố tiên quyết vẫn là chất lượng và mức độ phù hợp với thị hiếu. Những cú lội ngược dòng ngoạn mục như Nụ hôn bạc tỷ hay Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu đã khẳng định một thực tế, càng chạm được đến cảm xúc của khán giả, khả năng thành công càng cao. Tuy nhiên biết là vậy, nhưng lời giải cho bài toán ấy chưa bao giờ dễ dàng.
Khi khái niệm “ngôi sao phòng vé” đã không còn đủ sức bảo chứng cho thành công doanh thu, việc xây dựng thương hiệu cá nhân của nhà làm phim trở thành một bài toán thách thức hơn bao giờ hết. Không ai muốn bị đóng khung trong “vùng an toàn”, bị gắn mác giậm chân tại chỗ hay thiếu sáng tạo. Và khán giả - những người ngày càng thông minh, nhạy bén có quyền kỳ vọng mỗi tác phẩm điện ảnh mới sẽ mang đến một điều gì đó khác biệt, mới mẻ hơn so với tác phẩm trước. Áp lực ấy đặt các nhà làm phim trước lựa chọn khó khăn: tiếp tục chạy theo thành công tức thời, nối dài những kỷ lục phòng vé hay chấp nhận chậm lại để lắng nghe và làm mới mình một cách sâu sắc hơn!
Nửa cuối năm 2025, cuộc cạnh tranh giữa các phim Việt dự báo sẽ càng nóng hơn. Mùa phim hè chứng kiến lần đầu tiên hai phim hoạt hình nội địa ra rạp cùng lúc: Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu và Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội. Thể loại kinh dị tiếp tục đổ bộ với Dưới đáy hồ, Năm mười, Út Lan: Oán linh giữ của, Nhà ma xó cùng các dự án phim cách mạng lớn như Mưa đỏ, Tử chiến trên không. Khi thị hiếu khán giả biến động từng ngày, cuộc đối đầu trực diện giữa các phim Việt đang tạo ra một đợt thanh lọc cần thiết. Để tồn tại và thành công, một bộ phim không chỉ cần chất lượng ngày càng tăng, mà còn cần cả sự chuyên nghiệp trong quảng bá, truyền thông và quan trọng nhất, phải làm sao để chạm được đến cảm xúc người xem.