Chỉ dẫn địa lý như một công cụ trong bảo hộ nông sản, thực phẩm chế biến trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường giữa các doanh nghiệp (DN) ngày càng gay gắt. Thế nhưng, tính đến nay, chỉ mới có 43 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được các nước trên thị trường thế giới đồng ý bảo hộ.
Lý giải thực tế này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng DN là đối tượng nhận biết rõ nhất việc DN nước ngoài đã và đang sử dụng chỉ dẫn địa lý Việt Nam trong phát triển, mở rộng thị trường sản phẩm. Do vậy, để có thể nâng cao giá trị nhãn sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, DN cần phải chủ động hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu và thị trường sản phẩm. Từ đó, có chiến lược đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm của mình. Trên thực tế, DN có khả năng sử dụng hiệu quả nhất chỉ dẫn địa lý là DN hoạt động sản xuất ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên, phải thấy rằng những DN này đa phần là DN vừa và nhỏ, thậm chí là kinh doanh hộ gia đình. Do đó, phần lớn họ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề như đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang có độ mở cao. Nhiều DN nước ngoài có chiến lược đầu tư dài hơi đã nhanh chân nhảy vào thị trường Việt Nam và đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho sản phẩm của mình. Kết quả là sản phẩm truyền thống của Việt Nam vẫn có mặt trên thị trường thế giới nhưng lại không phải do DN Việt Nam sản xuất. Mặt khác, việc khiếu kiện liên quan đến vi phạm chỉ dẫn địa lý của các DN nội cũng rất khó khăn do nội lực DN Việt nhỏ và yếu, không đủ điều kiện kinh phí để theo đuổi vụ kiện. Để có thể bảo vệ được chỉ dẫn địa lý nhất thiết phải có vai trò rất lớn của hiệp hội ngành nghề, nhưng cho đến nay, vai trò của hiệp hội trong vấn đề này còn khá mờ nhạt.
Không dừng lại đó, sự bất cập trong hoạt động quản lý cũng khiến cho chính sách bảo hộ chỉ dẫn địa lý kém hiệu quả. Trong những năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng với các địa phương trong cả nước cũng như các ban ngành liên quan thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ cũng như khai thác các chỉ dẫn địa lý, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một cơ sở pháp lý chung trong quản lý, thiếu nguồn lực để triển khai, nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý còn hạn chế do sản xuất nhỏ và thương mại theo phương thức truyền thống, chưa hình thành các chuỗi cung ứng khép kín. Công tác quản lý chỉ dẫn địa lý cũng còn nhiều lúng túng về sản phẩm, khu vực địa lý, hệ thống kiểm soát cũng không áp dụng được vào thực tế, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng mới chỉ khuyến khích chứ chưa phải nhu cầu.
Trước thực tế đó, trong khuôn khổ hợp tác hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN thông qua tăng cường sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý trong sản phẩm, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (MUTRA) sẽ hỗ trợ DN Việt Nam sử dụng hiệu quả bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, cần xây dựng hệ thống pháp lý ở cấp độ quốc gia.
MINH XUÂN