Những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đón nhận các thông tin về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những DN đã chuẩn bị chu đáo cho ngày hội nhập thì đây quả là một tin vui, bởi TPP hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế với những ưu đãi về thuế xuất khẩu; tạo sân chơi bình đẳng, nâng tầm giao thương hàng hóa giữa các thành viên. Song, chiếm số đông cộng đồng DN ở Việt Nam là DN vừa và nhỏ với nguồn vốn khiêm tốn, từ trước đến nay quen kiểu làm ăn theo “mùa vụ”, thì nay canh cánh nỗi lo trước sức ép cạnh tranh.
Dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, khi TPP được ký kết sẽ tạo ra cơ hội mới, đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu và tái cấu trúc nội lực vững chắc hơn theo hướng sản xuất từ nguyên liệu đến sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, đặc điểm riêng biệt của TPP là quy tắc xuất xứ hàng hóa (CRO), để nhận được mức thuế 0%, các nước tham gia phải triệt để tuân theo quy tắc xuất xứ với từng sản phẩm. Với dệt may là phải sử dụng nguyên liệu từ vải sợi trong nước.
Nếu phải nhập khẩu, chỉ được nhập trong phạm vi các nước thành viên của TPP. Đây là thách thức lớn nhất đối với DN Việt khi nguyên, phụ liệu của ngành dệt may hiện chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ... Trong khi đó, các DN dệt may nước ngoài đến Việt Nam với kế hoạch sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm để xuất khẩu, nhằm tận dụng cơ hội từ TPP. Chưa hết, Mỹ quy định các nước tham gia TPP phải cắt giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc cũng gây khó khăn cho Việt Nam trong ngắn hạn bởi nguyên liệu vải sợi nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất hàng may mặc của Việt Nam. Nếu phải nhập khẩu từ các nước khác trong TPP, không có nước nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá, khiến hàng dệt may Việt Nam phải đối mặt với áp lực tăng giá, dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
Ngoài ra, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, thường phải qua các công ty trung gian ở Hồng Công, Đài Loan, Hàn Quốc, do đó hiệu quả xuất khẩu hạn chế, trong khi rủi ro cao hơn. “Từ khi thành lập đến nay, công ty chúng tôi chuyên gia công hàng thun xuất khẩu của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, như Chippo thông qua một DN tại Đài Loan. Nhìn chung, sự hợp tác này vẫn mang về lợi nhuận, nhưng chỉ cần nhẩm tính, phía giao gia công đã ăn chặn khoảng 40-60%, tùy đơn hàng”, ông Nguyễn Minh Thạnh, Giám đốc Công TNHH May mặc Tiến Thành, tại quận 12 TPHCM bày tỏ.
Tương tự, một số DN khác cho biết, khi hàng hóa xuất khẩu qua nhà phân phối trung gian đã phải chấp nhận chi hoa hồng tới 15% giá trị hợp đồng! Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi TPP có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho DN ngành dệt may, da giày giảm trung gian để chuyển sang xuất khẩu trực tiếp. Bởi TPP tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam nhận phản hồi trực tiếp và nắm bắt nhu cầu từ khách hàng.
Qua đó, tạo điều kiện để DN cải thiện sản xuất, điều chỉnh cơ cấu mặt hàng để gia tăng hiệu quả xuất khẩu. Do vậy, thay vì lo lắng, các DN cần nỗ lực để giảm bớt xuất khẩu qua trung gian, củng cố nguồn nhân lực có trình độ để tiến tới gia tăng lượng đơn hàng ký trực tiếp với nhà nhập khẩu Mỹ và nhiều thị trường khác, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các công ty trung gian như lâu nay. Khi có thể xuất khẩu trực tiếp, giảm trung gian, lợi nhuận của DN xuất khẩu sẽ gia tăng đáng kể do không mất chi phí cho bên thứ ba.
Ngoài ra, việc này còn giúp DN tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thực hiện hiệu quả cơ hội này, DN phải nỗ lực nhiều để khắc phục những yếu kém, tồn tại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong đó, chú trọng phát triển khâu cung ứng nguyên phụ liệu dệt may, tăng dần các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững. Có như vậy, mới có khả năng cạnh tranh để vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sản xuất nguyên liệu đầu vào; góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm ở công đoạn sau của ngành dệt may trong nước.
Lạc Phong