Ngày 18-7, PV Báo SGGP có mặt tại vùng dịch cúm gia cầm H5N1 ở 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình). Hàng ngàn con vịt chết khắp các cánh đồng bốc mùi nồng nặc, không được thu hồi chôn lấp, trong khi đó có thêm ít nhất 3 xã có vịt chết nhưng địa phương giấu nhẹm, người dân vẫn giết và sử dụng thịt vịt trong vùng dịch.
Sáng 18-7 tại chợ Mỹ Đức, xã Sơn Thủy huyện Lệ Thủy người dân vẫn rải rác bán thịt gia cầm. Dù đã được thông báo cấm vì chợ ở trong vùng dịch, một số tiểu thương vẫn bỏ ngoài tai cảnh báo của địa phương. Trong khi đó, ở xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), một số người dân vẫn đưa vịt ra cầu ao giết mổ như chưa có dịch. Đi về phía đồng ruộng hai xã Lộc Thủy, Sơn Thủy, vịt chết rất nhiều, cứ lội dọc các bờ ruộng vài bước chân có một con vịt trương sình, có nơi vài chục mét có 2 - 3 vịt chết, ruồi bu đen kịt.
Trong khi đó ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, hàng trăm bao tải vịt chết bị người dân vứt ngổn ngang ở vùng Hói Đò, bốc mùi nồng nặc cả một vùng rộng lớn, không hề thấy bất cứ cơ quan chức năng nào đi thu dọn để chôn lấp. Khắp cánh đồng thôn Thống Nhất, Hoành Vinh của xã này, vịt chết trắng đồng, nhưng địa phương không cử người đi thu dọn.
Mặc dù được địa phương và cán bộ thú y yêu cầu các đàn vịt trong vùng dịch của 3 xã trên không thả rông trên đồng ruộng nhưng hàng chục hộ nuôi vịt chạy đồng lên tới hàng chục ngàn con vẫn để vịt chạy tứ tán khắp ruộng khiến vịt chết rải rác khắp nơi. Trong khi đó, ở các xã Hoa Thủy, An Thủy (Lệ Thủy), Vạn Ninh (Quảng Ninh), vịt đã chết rất nhiều nhưng địa phương không báo cáo lên trên để tiến hành các biện pháp phòng dịch, vẫn để buôn bán vịt bệnh, vịt gần chết trên địa bàn.
Địa bàn xã An Ninh, ở hai bãi rác của hai thôn Thống Nhất, Hoành Vinh, cứ có vịt chết người dân lại đưa ra đó vứt thành đống khiến mùi hôi nồng nặc bạt vào làng rất khó chịu. Trong khi đó, giữa đồng ruộng, cạnh những con vịt chết, vịt đẻ, trứng vịt vẫn được lén lút vận chuyển ra địa bàn không có dịch để bán.
Không chỉ người dân và địa phương chủ quan, mà ngành thú ý tỉnh cũng chưa quyết liệt trong thống kê vịt chết để dập dịch mạnh mẽ. Cụ thể, xã An Ninh báo cáo có 2.400 con vịt đã bị chết (không kể đã tiêu hủy 3.500 con khác) của riêng 3 hộ dân có mẫu bệnh phẩm dương tính thì Chi cục Thú y tỉnh lại chỉ đưa vào sổ sách 160 con. Chính việc báo cáo số liệu không trùng khớp đã khiến việc đưa ra các phương cách dập dịch và khuyến cáo không đủ mạnh mẽ, triệt để, khiến dân chủ quan, vịt vẫn chết mà không được chôn lấp đúng quy định.
|
Minh Phong