
Nhằm thu hút hội viên trẻ tuổi, tiêu chí gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang được mở rộng. Thay vì phải có trình độ đại học âm nhạc, nay chỉ cần có bằng đại học tương đương, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, có tác phẩm tốt... là được gia nhập. Tuy nhiên, dường như các giải pháp trên vẫn chưa thực sự tạo được sức hút đối với giới trẻ đến với hội. Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX (diễn ra các ngày 23, 24, 25-6), phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (ảnh), Chủ tịch hội, xoay quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Là một trong những hội nghề nghiệp lớn với hơn 1.300 hội viên, song số lượng hội viên có xu hướng giảm, đúng không thưa ông?
* Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN: Đây là hiện tượng chung, không chỉ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà của nhiều hội nghề nghiệp khác trong thời điểm này. Việc thu hút nhân tài, thu hút giới trẻ được đặt ra từ kỳ đại hội trước và hội luôn duy trì chủ trương mở rộng vòng tay đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, đây là việc không dễ. Nếu trước kia, các ca sĩ có thể cùng nhau tập hợp để hát một vài bài mang tính chất giao lưu thì nay rất khó có thể tập hợp họ một cách dễ dàng như vậy. Thêm nữa, việc biểu diễn trước đây chỉ đơn thuần là hát với một micro ở phía trước, thì nay yếu tố nghe nhìn được đặc biệt chú trọng. Người biểu diễn, các ca sĩ chỉ đồng ý biểu diễn trên sân khấu với ánh sáng, âm thanh tốt nhằm đảm bảo mỗi sản phẩm họ đưa ra công chúng đều phải hoàn hảo. Việc giữ gìn hình ảnh của các nghệ sĩ biểu diễn trong thời điểm hiện tại đúng là một nhu cầu rất thiết yếu, nhưng với hội thì đó quả là một yêu cầu hơi quá sức.
Chúng tôi cũng đã thuyết phục, động viên các nghệ sĩ trẻ đến với hội. Phần lớn họ đều không từ chối khi hội đề nghị cùng tập hợp để làm một chương trình lớn, nhưng để họ tự nguyện tham gia, cống hiến dài lâu thì khó. Hiện nay chúng tôi vẫn lúng túng chưa tìm ra mô hình phù hợp với các bạn trẻ.
* Phải chăng việc chưa thu hút được nhiều hội viên trẻ vì họ thấy mình phải cống hiến nhiều hơn là quyền lợi?
* Việc tham gia vào hội là tự nguyện. Thực tế, hội viên ai cũng xác định rằng họ tham gia vào đây để cùng chia sẻ, giao lưu về nghề nghiệp chứ quyền lợi về vật chất không hề có.
* Âm nhạc là phải được cất lên thành tiếng, thành lời nhưng nhiều năm qua việc trao giải thưởng âm nhạc vẫn diễn ra âm thầm trên giấy. Việc không lan tỏa được các tác phẩm có chất lượng, liệu có phải là một trong những “điểm trừ” về tính hấp dẫn của hội?
* Mỗi loại hình nghệ thuật có khó khăn khác nhau. Việc tập hợp lực lượng biểu diễn vô cùng khó. Với các tác phẩm lớn như nhạc giao hưởng, giải thưởng lớn nhất chỉ trị giá 25 triệu đồng, song để cho dàn nhạc giao hưởng thể hiện tác phẩm đó cần phải mất 500 triệu đồng... Vì thế khó có thể mơ về một lễ trao giải kiểu Grammy cho âm nhạc Việt Nam. Tiền bạc đã níu chân âm nhạc. Ở nước ngoài cũng vậy. Họ muốn làm điều gì cẩn thận, tử tế đều phải có kinh phí lớn.
* Trong một thời gian dài, dòng nhạc “thị trường” luôn giữ vị trí nổi bật trong âm nhạc nước nhà. Là người đứng đầu tổ chức âm nhạc quy tụ tới 1.356 nhạc sĩ, người biểu diễn... khắp mọi miền đất nước, ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?
* Hiện nay công chúng số đông thường chỉ chú ý vào những ca khúc thị trường ra đời một cách vội vàng với ca từ sáo rỗng, âm nhạc lai căng, thậm chí lấy cắp từ nhạc nước ngoài. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ quên đi hoặc không biết tới dòng nhạc chính thống, kinh điển bác học (thanh nhạc cũng như khí nhạc) và dòng nhạc cổ truyền dân tộc. Trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc. Truyền hình cũng cần thu hút khán giả nên ngày càng có nhiều hơn các cuộc chơi ca nhạc, biến âm nhạc thành trò chơi, vô tình hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ, nghiêng sang lĩnh vực giải trí đơn thuần. Tình trạng bát nháo trong thị trường âm nhạc tác động đến tất cả các đối tượng, từ nhạc sĩ, ca sĩ, đến công chúng và dần làm thẩm mỹ âm nhạc bị hạ thấp và lệch chuẩn.
* Vay mượn nhạc đệm có sẵn để làm nền cho các bài hát mới là “đường tắt” mà một số nghệ sĩ trẻ ưa chuộng. Đây cũng là chủ đề làm nóng nhiều diễn đàn âm nhạc. Ông có đồng tình với cách đi này?
* Việc vay mượn nhạc đệm (nhạc beat) có sẵn của nước ngoài để làm nền cho một bài hát mới sáng tác là hiện tượng cần cảnh báo và phải có thái độ nghiêm khắc phê phán. Bởi “công thức” hay có thể gọi là chiêu trò sản xuất âm nhạc theo quy trình ngược kiểu này làm mất đi tính sáng tạo, xúc phạm thiên chức của nhạc sĩ là lấy cảm xúc từ cuộc sống để viết nên tác phẩm, chứ không phải “ăn sẵn” trên nền nhạc vay mượn. Chiêu trò này còn dẫn đến nguy cơ tràn lan các ca khúc nhạc trẻ mà phần cốt lõi lại được dựng trên “xương cốt”, tức phần nhạc beat của ngoại quốc.
MAI AN (thực hiện)