Chủ tịch nước công bố 8 luật

* Hạn chế vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ

(SGGP). – Ngày 3-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 luật: Luật Quy hoạch đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Quản lý nợ công.

  • Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế

Với Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, lần đầu tiên vị trí pháp lý; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài được luật hóa. Các nhiệm vụ cơ bản của cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài được xác định trong luật bao gồm thúc đẩy quan hệ chính trị – xã hội, quốc phòng – an ninh; thúc đẩy quan hệ văn hóa, thực hiện nhiệm vụ lãnh sự, hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng VN ở nước ngoài, thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại... và đặc biệt là phục vụ phát triển kinh tế (trước đây nhiệm vụ này chưa được pháp điển hóa).

Mọi đề án liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan đại diện đều do Bộ Ngoại giao trực tiếp trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt và trong trường hợp liên quan đến cán bộ của các bộ ngành khác làm việc tại cơ quan đại diện thì Bộ Ngoại giao thống nhất với các bộ ngành đó.

  • Lấy ý kiến dân về quy hoạch trong ít nhất 30 ngày

Luật Quy hoạch đô thị có 6 chương, 76 điều quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Theo đó, trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị thuộc chính quyền địa phương; Bộ Xây dựng chỉ tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại 3 trở lên và quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Để bảo đảm đồ án quy hoạch có tính khả thi, phù hợp với thực tế và yêu cầu của người dân, luật quy định rõ các hình thức, thời gian lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư. Theo đó, thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan; 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung được thực hiện bằng hình thức phát phiếu điều tra, phỏng vấn.

Đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, thực hiện lấy ý kiến cộng đồng dân cư bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng.

  • Việt kiều được cho thuê nhà ở gắn liền với đất

Theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, người VN định cư ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên (thuộc các đối tượng: có quốc tịch VN, người gốc VN về đầu tư trực tiếp tại VN, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của VN có nhu cầu, người có vợ hoặc chồng là công dân VN đang sinh sống trong nước...) sẽ có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại VN.

Các đối tượng trên được chuyển quyền sử dụng đất ở; tặng, cho nhà ở; thế chấp nhà ở gắn với quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại VN; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật VN; cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

  • UBND cấp tỉnh, huyện là đầu mối cấp một GCN duy nhất về nhà đất

Đó là một nội dung quan trọng trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Quy định này nhằm xác lập tính pháp lý cho người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; tháo gỡ những ách tắc khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, luật còn sửa đổi, bổ sung các khoản liên quan đến 6 điều và bổ sung 1 điều của Luật Xây dựng; sửa đổi nội dung liên quan đến 21 điều của Luật Đấu thầu; sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp (DN). Nội dung sửa Luật DN nhằm tạo điều kiện cho DN có thời gian dài hơn (5 năm thay vì 2 năm) để chuyển đổi đăng ký lại theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

  • Hạn chế vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ

Phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công là các khoản nợ trong và ngoài nước của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ trong nước của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Đáng lưu ý, luật đưa ra các quy định chi tiết nhằm quản lý thận trọng các khoản vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN, hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ, chỉ tập trung cho các chương trình, dự án trọng điểm của nhà nước hoặc các lĩnh vực ưu tiên cao của quốc gia.

  • Bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim

Đó là một trong những nội dung của sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh để đảm bảo sự phù hợp với các cam kết của VN với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nguyên tắc tự do, bình đẳng thương mại quốc tế. Trong khi đó, công tác thẩm định phim sẽ được chú trọng. Theo luật vừa công bố, giám đốc DN sản xuất phim không nhất thiết phải là công dân VN, có hộ khẩu thường trú tại VN.

  • Xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp không quá 18 tháng

Thời hạn tối đa để xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ không quá 18 tháng (đối với sáng chế); 9 tháng (đối với nhãn hiệu) và 7 tháng (đối với kiểu dáng công nghiệp). Sở dĩ kéo dài thời gian xử lý đơn so với trước là nhằm đảm bảo việc xử lý hồ sơ, cấp văn bằng chính xác, phù hợp với quyền ưu tiên quy định tại Công ước Paris. Đặc biệt, các quyền đối với giống cây trồng rất được chú trọng trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này.

  • Giải quyết hài hòa bảo tồn và phát triển

Một nội dung hết sức quan trọng liên quan đến bảo tồn – tôn tạo di tích cũng như cuộc sống của người dân sống trong khu vực có di tích lần này đã được làm rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Luật quy định rõ việc xác định khu vực bảo vệ di tích, yêu cầu cụ thể, thẩm quyền xử lý của các cấp chính quyền đối với từng khu vực bảo vệ; giúp cho công tác bảo tồn khả thi hơn.

Các tiêu chí về xếp hạng di tích cũng được luật hóa, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động lập kế hoạch, lập hồ sơ xếp hạng di tích; đồng thời đưa việc xếp hạng di tích vào nề nếp, đảm bảo yêu cầu khoa học.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực từ ngày 1-8-2009; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2009. Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ 2-9-2009. Luật Quy hoạch đô thị có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2009. Các luật Quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đều có hiệu lực từ ngày 1-1-2010.

Anh Phương

Tin cùng chuyên mục