Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Xây dựng các cơ chế chặt chẽ gắn trách nhiệm quốc gia với trách nhiệm quốc tế“

Với vai trò là người đứng đầu Quốc hội Việt Nam, tối 20-8 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VIẾT CHUNG

 Bài phát biểu về sự tham gia của Quốc hội Việt Nam vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt, nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội.

Những thách thức này cho thấy hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gia tăng nguồn lực quốc gia, phát huy sức mạnh tập thể nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những vấn đề mang tính toàn cầu.

Là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Với những trọng trách đó, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn.

Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cần thiết phải xây dựng các cơ chế chặt chẽ gắn trách nhiệm quốc gia với trách nhiệm quốc tế. Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể tại các diễn đàn đa phương với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu.

Các thể chế, cơ chế hợp tác đa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng lợi ích chung của các thành viên. Ngoại giao nghị viện đa phương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin, mở rộng hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác vì một nền hòa bình bền vững và sự thịnh vượng cho tất cả chúng ta”.

Tin cùng chuyên mục