Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh: An Giang luôn sẵn sàng mở cửa cho các nhà đầu tư

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh: An Giang luôn sẵn sàng mở cửa cho các nhà đầu tư

Với chiều dài gần 100km tiếp giáp Campuchia và 5 cửa khẩu dọc theo biên giới, An Giang được xem là cửa ngõ quan trọng nhất để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Campuchia, qua đó tiến vào thị trường các nước ASEAN. Địa phương này đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nhằm phát huy tiềm năng phát triển kinh tế biên giới, du lịch, công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ khác. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vương Bình Thạnh (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, xin ông đánh giá đôi nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của An Giang trong giai đoạn hiện nay?

- Ông Vương Bình Thạnh: Dù còn gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát, khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng trong những năm qua, An Giang vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong giai đoạn 2005-2010, tăng trưởng GDP đạt 10,34%/năm, thu nhập bình quân đầu người 1.141 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 87.316 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng gấp 3 lần giai đoạn trước)… Liên tục nhiều năm qua, An Giang luôn đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực. Trong đó, gạo, thủy sản và rau màu là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần quan trọng vào tốc độ phát triển của tỉnh.

- Theo ông, với vị trí địa lý như hiện nay, An Giang có lợi thế gì để tăng tốc phát triển?

- Tôi cho rằng, so với các tỉnh khác trong khu vực thì An Giang là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài nhất so với các địa phương khác. Hơn 70% lượng hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL, TPHCM, miền Đông Nam bộ đều đi qua các cửa khẩu An Giang trước khi xuất sang Campuchia. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ.  Tỉnh đang xúc tiến xây dựng thêm 2 cửa khẩu phụ là Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc) và Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn).

Về đường bộ, An Giang có Quốc lộ 91 nối từ Cần Thơ, Kiên Giang chạy dọc theo trung tâm của tỉnh lên đến cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, sắp tới sẽ nâng thêm tuyến quốc lộ lên cửa khẩu Quốc tế Khánh Bình.

Về đường thủy, An Giang có hệ thống sông Tiền, sông Hậu nối Campuchia với các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, còn có hệ thống sông lớn giúp vận chuyển hàng hóa từ biển Đông vào các cảng của An Giang như Mỹ Thới, Bình Long, sắp tới là cảng Tân Châu.

Trong vài năm nữa, khi cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh được khởi công xây dựng hoàn thành, tuyến đường bộ từ TPHCM về An Giang sẽ được nối thẳng, không còn lụy phà như hiện nay, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho giao thông, cơ hội phát triển sẽ nhanh, mạnh và bền vững hơn. Ngoài ra, tỉnh cũng đang đề nghị Trung ương sớm khởi công và từng bước hoàn thiện các công trình giao thông lớn như: sân bay An Giang, tuyến đường N1 (đoạn Châu Đốc - Tân Châu), đường Hồ Chí Minh (đoạn Long Xuyên - Thoại Sơn), đường cao tốc Cần Thơ - An Giang - Phnompenh, đường tránh thành phố Long Xuyên, thị trấn Cái Dầu, các đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới... nhằm từng bước hình thành cửa ngõ quan trọng của trục Đông Tây vùng ĐBSCL.

Thành phố Long Xuyên hôm nay

Thành phố Long Xuyên hôm nay

- Thưa ông, hiện nay An Giang đang tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn nào để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững?

- Lĩnh vực nông nghiệp, mà cụ thể là cây lúa, con cá, rau màu vẫn là lợi thế lớn nhất của tỉnh hiện nay. Định hướng của An Giang trong thời gian tới là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp. Trong đó, coi trọng kinh tế biên mậu, xuất khẩu, du lịch, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phát triển mạnh dịch vụ và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển công nghiệp phục vụ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu. Trong 5 năm tiếp theo, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12,5%/năm, GDP bình quân đầu người tương đương 2.200 USD, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,38%/năm, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD vào năm 2015...

- Ông có thể cho biết rõ hơn những lĩnh vực kinh tế nào đang được tỉnh khuyến khích, kêu gọi đầu tư? Cụ thể những chính sách ưu đãi trên là gì thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, An Giang có lợi thế về nông nghiệp, chúng tôi đang tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, xuất khẩu gạo, thủy sản, rau củ, đặc biệt tạo điều kiện ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu lúa, rau màu, xây dựng kho chứa, dây chuyền chế biến nông sản hiện đại, hướng đến bảo vệ môi trường... Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng du lịch của An Giang. Đối với các khu kinh tế cửa khẩu, tỉnh đang tập trung hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp đến đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biên giới.

Hiện nay, An Giang đang áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp tham gia vào những dự án, lĩnh vực mà tỉnh kêu gọi đầu tư. Theo đó, đối với doanh nghiệp mới thành lập sẽ được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, sau đó mới áp dụng mức thuế theo quy định là 28%. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư. Nói chung, An Giang luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, vừa tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư vừa đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!   

NGÔ ĐỒNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục