Ông LÊ NHUNG, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt:
Năm 2016, Việt Nam có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn. Bởi thời gian gần đây, Việt Nam hội nhập sâu rộng, trong đó có hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết với các nước trên thế giới.
Khi hội nhập, thị trường sẽ tăng lên nhờ đơn hàng dồi dào. Việc hàng loạt FTA đã và sẽ được ký kết sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư mới vào Việt Nam. Các thỏa thuận thương mại này sẽ tạo ra sự tăng trưởng đáng kể trong kim ngạch xuất khẩu của năm 2016 và những năm tới. Đồng thời, việc giảm tiếp theo trong hàng rào thuế quan sẽ làm cho Việt Nam dễ dàng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, mở rộng thị phần xuất khẩu. Đặc biệt, khi TPP chính thức có hiệu lực, ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường tại Mỹ khi thuế suất xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này sẽ giảm xuống 0%; số lượng đơn hàng cũng như khách hàng, nhất là những khách hàng mới chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, do hội nhập là một sân chơi chung giữa các nước cùng ký kết, vì vậy các doanh nghiệp sẽ có nhiều sự so sánh lựa chọn, đặc biệt về mặt bằng, nhân công, cơ chế chính sách…
Đối với Việt Nam, hiện chúng ta có lợi thế về cơ chế cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất, giá nhân công còn thấp so với các nước. Nhưng cơ chế chính sách chúng ta cần xem lại, do hiện nay chưa ổn định, thường xuyên thay đổi khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Đối với doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao chất lượng và uy tín. Bởi từ trước đến nay, doanh nghiệp trong nước luôn có quan niệm “ăn xổi ở thì”, “được chăng hay chớ”, chưa chú trọng đến đầu tư phát triển bền vững. Ngoài ra, khi làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài, tiến độ giao hàng phải “chuẩn”, nhằm đáp ứng đơn hàng cho các đối tác. Bên cạnh đó, về chính sách, cần nâng cao vai trò nhân quyền, cũng như các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp… nhằm cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Ông PHẠM VĂN QUYỀN, Giám đốc Công ty TNHH Thế Quyền:
Xây dựng chính sách đủ mạnhhỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều người cho rằng, năm 2016 có nhiều thuận lợi, nhưng tôi thấy là một thách thức lớn. Bởi khi gia nhập thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt phải tăng sức cạnh tranh, không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn phải nâng cao cách thức quản lý, phục vụ khách hàng, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong thách thức sẽ có những cơ hội. Tôi nghĩ doanh nhân Việt cần tận dụng cơ hội này để cải thiện mọi thứ. Nhưng để nâng tầm doanh nghiệp Việt rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của nhà nước.
Tôi nghe nói, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến cho dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi rất mừng. Hy vọng đạo luật này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trước đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 cũng đã tạo điều kiện thông thoáng cho hàng chục ngàn doanh nghiệp mới được thành lập. Dù đã có rất nhiều hợp đồng kinh tế và được tạo thuận lợi trong kinh doanh nhưng các doanh nghiệp vẫn muốn được quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, năm 2016 với việc đồng loạt cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến hàng ngoại vào Việt Nam dễ dàng và rẻ hơn, gây áp lực lấn át hàng nội. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước cùng với việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giảm giá thành cũng rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thêm sức cạnh tranh.
VĂN DIỆU (thực hiện)