Công nghiệp văn hóa đang tạo nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia. Đây là nguồn lợi được tạo nên một cách bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn kém về nguồn nhân lực và các điều kiện khác. Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền kinh tế điển hình chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo. Việt Nam không phải là không có cơ hội. Như phim Bố già - doanh thu trong nước chạm mốc 400 tỷ đồng và chỉ sau 17 ngày phát hành ở phòng vé Mỹ, đã đạt con số hơn 1 triệu USD.
Được xác định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế quốc gia, vậy nhưng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, sau nhiều nỗ lực định vị khái niệm và hoạch định chiến lược, mới chỉ đi được một hành trình khiêm tốn.
Nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa, một chương trình văn hóa đặc trưng của Hà Nội, chia sẻ, dù thường nhắc tới công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, nhưng dường như với các thành phần tham gia nền công nghiệp này thì khái niệm, định hướng về nó còn mơ hồ. Việc đánh giá thiếu khách quan sẽ dẫn tới việc định hình, định nghĩa về công nghiệp văn hóa sai lệch, xây dựng kế hoạch thiếu tầm nhìn.
Cụ thể, trong lĩnh vực điện ảnh, mảnh đất màu mỡ để phát triển công nghiệp văn hóa thì chuỗi mắt xích từ sản xuất, quảng bá, phát hành vẫn chưa đạt được tính chuyên nghiệp cần thiết, làm bỏ lỡ những cơ hội vàng để tạo nền tảng cho điện ảnh. Các không gian văn hóa, thương hiệu văn hóa, di sản… vốn được ví như những “mỏ vàng” cũng chưa được định vị và khai thác đúng tầm mức.
Sẽ rất có lý khi thay đổi cách tiếp cận, cách nhìn về công nghiệp văn hóa, phải xem di sản văn hóa là “quỹ” để phát triển. Đầu tư cho công nghiệp văn hóa phải mang tầm chiến lược, có chiều sâu để phục vụ phát triển bền vững. Đó là đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế bài bản, đào tạo con người, xây dựng nguồn nhân lực, nghiên cứu nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, linh hoạt để giải phóng tiềm năng. Vấn đề cốt lõi là phải thực sự tôn trọng văn hóa, di sản, xem đó là nguồn lực để phát triển, vừa phát huy thế mạnh nhưng vừa giữ gìn, nâng niu, bồi đắp… Thậm chí, sẵn sàng hy sinh những cái lợi trước mắt để tạo đà hình thành công nghiệp văn hóa, có thể kể đến như nhường quỹ đất vàng trong các đô thị để xây dựng không gian sáng tạo; đầu tư định vị thương hiệu công nghiệp văn hóa của điểm đến để tạo dấu ấn với du khách…
Một số nước ở châu Á đánh giá và xây dựng công nghiệp văn hóa từ cách tiếp cận theo tư duy thị trường, thông qua thị trường để giải tỏa sự sáng tạo, thu hút sự quan tâm của công chúng. Hàn Quốc cũng thông qua thị trường để sàng lọc và đào thải những sản phẩm yếu kém không phục vụ xã hội và họ là minh chứng cho thấy cần có cách nhìn công bằng về thị trường, thay vì luôn coi thị trường là văn hóa thấp. Khái niệm về nhạc thị trường, phim thị trường… có lẽ không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại, bởi sản phẩm văn hóa sáng tạo là dành cho công chúng, cho khán giả. Được khán giả đón nhận đó cũng chính là mức thang quan trọng đánh dấu sự thành công.
Tất nhiên, đề cao vai trò thị trường trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không có nghĩa là để phát triển tùy tiện, hoang dại. Thị trường rất cần được định hướng, cần xây dựng, ươm mầm khán giả tương lai thay vì chạy theo thị hiếu.