Chưa an cư nơi tái định cư

Những tưởng đến nơi ở mới cuộc sống người dân sẽ tốt hơn, thế nhưng sau nhiều năm, hầu hết đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn rất thiếu thốn và bấp bênh.
Chưa an cư nơi tái định cư

Những tưởng đến nơi ở mới cuộc sống người dân sẽ tốt hơn, thế nhưng sau nhiều năm, hầu hết đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn rất thiếu thốn và bấp bênh.

Một ngày giữa tháng 8, chúng tôi đến làng tái định cư Kênh Chông, xã Ia Le, huyện vùng sâu Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Mặc dù đang vào cao điểm mùa mưa, nhưng hầu hết giếng nước ở làng đều khô cạn. Những đứa trẻ Ja Rai gầy gò, đen nhẻm nhìn thấy khách lạ đưa mắt nhìn với vẻ tò mò xen lẫn sợ sệt.

Được một người dân dẫn đường, chúng tôi đến thăm gia đình chị Ksor Nul, một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất ở làng tái định cư Kênh Chông. Trong căn nhà sàn trống trước hở sau, chị Ksor Nul đang rửa mớ rau rừng trong thau nước đục ngầu, bên cạnh là 3 đứa con nhỏ gầy đét, với vẻ mặt háu đói đang ngồi chờ cơm.

Gặp khách phương xa, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, nở nụ cười như mếu: “Khổ lắm, cái gì cũng thiếu. Thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu cả nước sạch. Những nhà khác có tiền, người ta mua nước bình về nấu ăn. Chứ nhà mình nghèo quá, gạo còn không đủ cho 3 đứa con no bụng nên phải sử dụng nguồn nước bẩn để sinh hoạt và nấu nướng. Cả mấy đứa con của mình đứa nào cũng bị nổi ghẻ hết rồi”.

Gia đình chị Ksor Nul là một điển hình về “sự nghèo” ở làng tái định cư Kênh Chông. Cả gia đình với 5 miệng ăn nhưng chỉ có 1 sào lúa nước. Không riêng gì gia đình chị mà hầu hết các gia đình ở làng tái định cư Kênh Chông đều chật vật với miếng ăn, bởi thiếu đất sản xuất và thiếu nước sinh hoạt.

Tình cảnh này bắt đầu từ giữa năm 2008, khi UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt dự án tái định cư, di dời gần 100 hộ đồng bào Ja Rai (với hơn 400 nhân khẩu) từ làng Kênh Chông, xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) về thôn 5, xã Ia Le, thuộc huyện Chư Pưh với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Hồi mới ra ở, người dân cuốc đất quanh nhà phát hiện nhiều bom mìn, sau đó đã báo chính quyền, cơ quan quân sự tổ chức rà phá, thu gom được rất nhiều. Từ đó, dân làng không ai dám canh tác tại những diện tích chưa rà phá bom mìn.

Nhà ở được xây dựng khang trang nhưng không có đất sản xuất nên đời sống người dân vùng tái định cư xã Đăk Smar (huyện Kbang) rất khốn khó.

Nhà ở được xây dựng khang trang nhưng không có đất sản xuất nên đời sống người dân vùng tái định cư xã Đăk Smar (huyện Kbang) rất khốn khó.

Những ngày đầu, mỗi hộ chuyển đến ở tại làng tái định cư Kênh Chông được chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng một căn nhà bằng tường gạch, mái lợp tôn và đất vườn diện tích 1.500m2... Nhìn cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đầy đủ với điện thắp sáng đến tận các hộ gia đình, hệ thống đường trong khu vực được làm cấp phối, rồi lớp học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng... bà con rất ưng, và hy vọng cuộc sống mới của mình sẽ khá hơn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các hộ dân bắt đầu “vỡ mộng” và đối diện với muôn vàn khó khăn. Đầu tiên là tình cảnh không có nước sinh hoạt.

Để khắc phục, người dân tìm đủ mọi cách như đào giếng, đào các hố nhỏ để hứng nước từ các mạch nước ngầm…, nhưng cuối cùng giếng cũng như hố vẫn cạn trơ. Nhiều gia đình ở làng Kênh Chông đã mất một số tiền lớn nhưng cuối cùng đành phải bó tay bởi vùng đất này đá tảng rất nhiều, cứ đào xuống là gặp đá nên đành chào thua.

Cùng chung cảnh ngộ với người dân làng tái định cư Kênh Chông, gần 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) cũng đang sống trong cảnh khốn khó sau khi nhường đất cho 2 công trình thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên, là Sê San 3 và Sê San 3A.

Trước đây, cuộc sống của bà con làng Dip vốn no ấm bởi đất sản xuất nhiều. Nhưng rồi vào năm 2004, họ buộc phải di dời đi nơi khác sinh sống, nhường làng cho hồ thủy điện. Đổi lại, một làng Dip mới được mọc lên với những căn nhà xây, mái ngói đỏ tươi nằm san sát, đối mặt nhau trên vùng đất lưng chừng núi. Sau gần 10 năm tồn tại, ngôi làng mới đang tiến dần đến... cái đói, với tỷ lệ nghèo và cận nghèo đạt đến con số hơn 80%.

Cùng chịu hệ lụy của thủy điện còn có hàng trăm hộ đồng bào Ba Na ở các xã Lơ Ku, Đăk Smar và Kroong, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Từ ngày làng cũ ngập sâu dưới lòng hồ thủy điện An Khê - Ka Nak, người dân được bố trí đến nơi tái định cư mới. Tuy nhiên, một thời gian dài đã trôi qua, họ vẫn chưa có đất sản xuất. Cuộc sống của bà con trước đây đã khó khăn, nay lại càng thêm khốn khổ.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục