Chữa căn bệnh né tránh trách nhiệm

Chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật vào ngày 5-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thực thi tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, chống tư tưởng xin - cho, những việc gì chúng ta giao được thì cố gắng giao; giao quyền gắn liền với trách nhiệm, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đó chính là phương pháp điều trị cho căn bệnh sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm ở nhiều địa phương và bộ, ngành hiện nay. Trong những biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, căn bệnh này đã được nhận diện rõ: “né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Thực tế, giữa bối cảnh các quy định pháp luật có tình trạng chồng chéo, xung đột, không ít cán bộ lãnh đạo địa phương và bộ, ngành có tâm lý sợ rủi ro, sợ sai, “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, từ đó có cách hành xử là thà không giải quyết, không giao việc, không giao quyền, cứ để trì trệ kéo dài hơn là phải chịu trách nhiệm. Do đó, nhiều nhiệm vụ, nhiều dự án, nhiều chương trình bị đình trệ, nhiều việc đùn đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ. Dẫn chứng rõ nhất là việc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch qua suốt cả chục năm. Nhiều trở ngại, kiến nghị không được giải quyết, 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng vốn, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành.

Theo Từ điển tiếng Việt, từ “trách nhiệm” có nghĩa là: “Điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình; là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả”. Như vậy, rõ ràng việc một cán bộ không dám nhận trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm, không làm tròn trách nhiệm là sai phạm, không gì có thể biện hộ cho việc “không làm để không sai”. Làm không hết trách nhiệm, quản lý kém, thiếu kiểm tra, để cấp dưới sai phạm cũng là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo Bộ luật Hình sự. Thực thi phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn chính là thái độ mạnh dạn, có lòng tin, dám chịu trách nhiệm. Đi liền với đó là sự kiểm tra, giám sát chống tiêu cực, sai phạm. Để thực thi được như vậy, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải có ý thức trách nhiệm cao, có năng lực và bản lĩnh, tận tâm, trung thực, có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ; nắm vững pháp luật; hiểu và thực hiện đúng công tác nghiệm thu; quan tâm xem xét, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...

Ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân là sự tự ý thức về các công việc phải làm, nhận rõ phải - trái - đúng sai, tự mình xác định việc cần làm. Do vậy, trong cách đánh giá cán bộ ở các cấp, các ngành, cần phải trên cơ sở đánh giá cao những trường hợp có ý thức đúng đắn, tích cực thực hiện trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm. Từ đó, giúp cho cán bộ, đảng viên vững tâm rằng nếu mình hành động vì lợi ích chung, vì cái chung thì sẽ được nhìn nhận đúng, sẽ không gặp rắc rối. Còn nếu “không làm để không sai” thì cũng chẳng khác nào đang làm sai, bởi vì không làm tròn nhiệm vụ được giao và gây ra hậu quả rất tiêu cực, thiệt hại rất nặng nề. Không những vậy, còn bị xem là thiếu lòng tự trọng. Tất cả mọi người đều phải có lòng tự trọng, vì như vậy thì khi làm việc gì, ở vị trí, vai trò nào cũng luôn cố gắng sống tốt và làm tròn nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục