Chưa có chương trình cai nghiện rượu

Chưa có chương trình cai nghiện rượu

Phản hồi loạt bài “Kinh hoàng tiêu thụ rượu bia”

* Nhậu quá, hóa tâm thần

Tình trạng lạm dụng rượu bia diễn ra phổ biến, gây nhiều hệ lụy. Rượu bia làm hủy hoại nhân cách của người nghiện, tha hóa đạo đức, sa sút tâm thần, không còn khả năng làm việc, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tác hại của rượu bia tới tâm thần cũng như thể chất như thế nào? Bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, chia sẻ:

Bia rượu dùng trong giao tiếp, các bữa tiệc của gia đình, bạn thân hữu có tính kích thích tăng sự vui vẻ, đầm ấm trong bữa tiệc. Với người Việt Nam, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nhưng giờ ít ai ăn trầu mà hay mời nhau… rượu. Nếu sử dụng hợp lý, mỗi ngày 1 - 2 ly nhỏ rượu hay lon bia thì hoàn toàn không hại, thậm chí là tốt, kích thích tiêu hóa, vui vẻ, quên đi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng đồng thời, rượu là chất có hại khi uống quá nhiều, quá lạm dụng. Rượu không có tội, vấn đề là cách sử dụng.

* PHÓNG VIÊN: Khi lạm dụng, tác hại của rượu với cơ thể ra sao, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ TRỊNH TẤT THẮNG:
Khi lạm dụng, nghiện rượu bia; lúc đó, rượu bia trở thành chất có hại như ma túy với cơ thể con người. Rượu có tính kích thích làm cơ thể giải tỏa buồn phiền, căng thẳng nhưng nếu dùng liều cao thì trở thành chất độc. Đầu tiên là độc cho hệ thần kinh, ngăn cản sự tổng hợp các loại vitamin, nhất là vitamin B1, B6; gây viêm nhiễm thần kinh ngoại biên, thần kinh trung ương. Thiếu vitamin, nhất là B1 sẽ dễ bị tê phù, thiếu dinh dưỡng...

Uống nhiều rượu bia có thể gây nguy cơ tiềm ẩn mắc các chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư bao tử, ung thư vòm họng, ung thư ruột, trực tràng… Đó là do cơ chế chuyển hóa rượu bia thành chất độc trong cơ thể. Rượu chứa chất ethanol. Khi uống vô, chất ethanol được enzyme ADH chuyển hóa thành chất acetaldehyde. Đây là chất độc cho cơ thể, độc cho gan, độc cho hệ thần kinh, có khả năng gây ung thư. Sau đó, enzyme ALDH2 chuyển hóa acetaldehyde thành acetate. Việc chuyển hóa này diễn ra tại gan, nhất thiết phải có enzyme ALDH2 để phân hủy chất độc acetaldehyde. Khi rượu vô nhiều, càng cần men nhiều để phân hủy nên gan phải hoạt động nhiều thành ra gan làm việc quá sức. Từ đó, dẫn tới suy gan, xơ gan rồi ung thư gan… Người bị bệnh gan, da thường vàng, bủng beo, phù thũng, nước chảy óc ách đầy bụng… Với người nghiện rượu, hầu hết các cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng, sinh ra nhiều thứ bệnh khác: giảm, mất cảm giác thèm ăn gây ra suy dinh dưỡng, dễ nhiễm trùng, dễ mắc các bệnh cơ hội; viêm loét dạ dày, chảy máu bao tử... Đó là những căn bệnh thực thể với người nghiện rượu bia.

Nghiện rượu bia có thể dẫn đến loạn thần. Trong ảnh, người tâm thần được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Tân Định (Sở LĐTB-XH TPHCM). Ảnh: ĐƯỜNG LOAN

* Còn tác hại tới hệ thần kinh thì sao?

- Có 2 trường hợp, say rượu cấp tính và nghiện mạn tính. Nếu mỗi ngày uống 1 - 2 ly rượu nhỏ hay 1 - 2 lon bia thì không sao. Khi nồng độ cồn trong máu dưới 50mg/100ml máu (0,5g/lít máu) thì còn tạm, chưa say xỉn. Nhưng khi uống tới ly hay lon thứ 3 là có vấn đề. Khi nồng độ là 0,8g/lít máu thì thị giác giảm 25%, phản xạ giảm 25% - 30%. Lúc này, tuy chưa xỉn nhưng phản xạ chậm, thiếu chính xác, mắt không tinh tường nữa. Nếu tham gia giao thông, các phản xạ như thắng xe sẽ không còn chuẩn xác; đi đứng xiêu vẹo, phóng nhanh vượt ẩu gây nguy hiểm cho mình và người khác. Còn làm việc dây chuyền trong nhà máy lại phản xạ chậm, gây mất an toàn lao động.

Khi nồng độ lên đến 2,5g/lít thì thị lực, phản xạ giảm nặng; người lờ đờ, lảo đảo, nói lè nhè, cảm xúc hay thay đổi từ vui nhộn sang giận dữ, bực tức, hay gây gổ đánh nhau. Nồng độ ở mức 3,5g/lít tức đã say xỉn và bắt đầu rơi vào tình trạng tiền hôn mê; thời gian, không gian rối loạn, không biết ai với ai, không biết đúng sai. Còn nồng độ ở mức 5g/lít trở lên thì có thể bị ngộ độc, hôn mê, hạ thân nhiệt, ức chế hô hấp và có khi dẫn đến chết người. Đó là tác hại của triệu chứng say cấp khi nạp rượu bia quá nhiều.

Còn sau thời gian lạm dụng rượu bia, trở thành nghiện mạn tính. Lúc đó, không chỉ các bệnh thực thể mà còn gây hại, tổn thương thần kinh, viêm thần kinh ngoại biên, tấn công vô thần kinh trung ương. Những người suốt ngày say xỉn thường có biểu hiện giảm trí nhớ nặng, rối loạn định hướng không thời gian, sáng tưởng chiều, chiều tưởng trưa. Sau nữa là sa sút tâm thần, mê sảng, hoang tưởng ảo giác, loạn thần. Đặc biệt, những người này thường hay hoang tưởng ghen tuông cực kỳ vô lý, hay nghi vợ ngoại tình, vợ có bồ rồi chửi đánh hành hạ vợ con. Họ cũng hay hoang tưởng có người theo dõi mình, hại mình, có lời nói đe dọa bên tai. Những suy nghĩ, cảm giác này không có thực mà do bệnh nghiện rượu mạn tính gây ra. Đó là loạn thần hoang tưởng ảo giác và lúc này phải vô bệnh viện điều trị. Thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần TPHCM đã điều trị rất nhiều trường hợp như vậy.

Một hội chứng khác liên quan đến rượu bia là… sảng rượu. Trong cơn sảng, nhiều người có rất nhiều hoang tưởng cấp, ảo giác cấp, có thể nhìn thấy hình ảnh/hiện tượng rùng rợn và cho là ma quỷ hay có người muốn giết hại mình… Chính vì sảng mà người nghiện rượu có hành vi tấn công người khác vô cớ. Cùng với triệu chứng sảng là run; người bệnh thường run tay chân, run toàn thân, run lưỡi; bệnh thường nặng về đêm.

Sử dụng rượu bia nhiều cũng tác động không tốt đến giống nòi, khiến trẻ bị ngộ độc từ trong bào thai. Ở nhiều nước, có cụm từ “đứa con thứ bảy”, chỉ những đứa trẻ sinh ra bởi các hoạt động tình dục sau những tiệc rượu cuối tuần. Những đứa con do “rượu” sinh ra, không như mong muốn của bậc sinh thành, có nguy cơ cao bị dị tật, chậm phát triển. Những người mẹ uống rượu nhiều thì đứa con có nguy cơ bị tâm thần, tăng động giảm sự chú ý, hay rối loạn lo âu… Cũng không ít trường hợp rơi vào tình trạng vô sinh do uống quá nhiều rượu bia.

* Việc điều trị nghiện rượu bia ở TPHCM hiện nay như thế nào? Bệnh viện có chương trình cai rượu không, thưa bác sĩ?

- Về tình hình điều trị, hiện nay chúng tôi còn đang lo chữa trị các trường hợp bị tâm thần, loạn thần, hoang tưởng ảo giác do nghiện rượu mạn tính nói riêng và các trường hợp loạn thần khác, vốn đang phức tạp, toàn người bệnh nặng mới nhập viện. Chúng tôi chưa có chương trình cai rượu riêng, vì chưa đủ cả nhân lực và vật chất. Về thuốc dùng để cai nghiện rượu, có 2 loại. Một loại dùng sẽ không có cảm giác thèm rượu nữa; một loại khác theo kiểu “lấy độc trị độc”, uống vô làm ngưng chuyển hóa rượu trong cơ thể, rượu vẫn nằm trong người, gây phản ứng khiến người bị ngộ độc, đau đầu, ói mửa khiến người uống rượu mỏi mệt, sợ hãi rồi bỏ. Loại 1 giúp quên rượu, loại 2 giúp sợ rượu. Đặc biệt với cách thứ 2, người bệnh phải điều trị nội trú, theo dõi chặt chẽ một thời gian, nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Việc dùng thuốc cần có cơ sở điều trị nội trú, điều này chúng ta chưa làm được.

Trong tình hình hiện nay, việc sử dụng các loại thuốc giúp cai rượu cũng nên được nghĩ tới và cần thiết có các tổ chức, hội, nhóm giúp đỡ người cai nghiện rượu. Chúng ta cũng cần tính đến có các trung tâm hoặc chương trình cai rượu. Tuy nhiên, giải pháp y tế chỉ là một phần. Quan trọng là nhận thức của người uống rượu bia và gia đình, làm sao động viên người thân bỏ rượu. Và cần quan tâm cải thiện các vấn đề liên quan như kinh tế, văn hóa, giải trí… nhằm phòng ngừa, hạn chế tình trạng sa đà vào rượu bia.

* Cảm ơn bác sĩ!

MẠNH HÒA (thực hiện)

Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Phó trưởng Ban An toàn giao thông TPHCM: Cần có chỗ nghỉ tạm cho người say rượu

Với người bình thường, khi vi phạm giao thông, CSGT xử lý và đa số tiếp tục tham gia giao thông. Nhưng với người say rượu, cái khó hiện nay là xử lý xong, nếu để người say tiếp tục tham gia giao thông thì rất nguy hiểm cho bản thân họ và người khác. Những trường hợp này rất cần sự phối hợp của địa phương, sắp xếp chỗ nghỉ tạm thời cho người vi phạm luật giao thông có rượu bia trong người ngồi nghỉ ngơi chờ cho khỏe hoặc liên lạc với gia đình đưa về. Song hiện nay, các địa phương cũng không có chỗ để họ nghỉ ngơi, chờ qua cơn say. Những người sử dụng rượu bia ít khi nào thừa nhận mình say, nên cũng cần tuyên truyền nhắc nhở làm sao để họ sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe ôm, taxi cho an toàn.

Đại tá NGUYỄN SỸ QUANG, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM: Hóa giải mâu thuẫn, không để mượn rượu gây án

Để phòng ngừa, giảm thiểu hậu quả và tác động của tội phạm có nguồn gốc từ rượu bia, cần có hành động chung tay của cộng đồng. Bên cạnh những chính sách nhằm kiểm soát tình hình buôn bán, sử dụng rượu bia thì cần thêm nhiều nỗ lực phát hiện, hòa giải kịp thời những bất đồng, mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân. Chúng ta không nên để những mâu thuẫn không đáng có, kết hợp với tác động từ rượu bia, tạo thành nguyên nhân gây án. Đặc biệt, môi trường sống cần lành mạnh cùng các chính sách xã hội (như tạo công ăn việc làm) hiệu quả sẽ góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng bia rượu. Cùng với đó, việc xử lý nghiêm khắc những hành vi phạm pháp xuất phát từ rượu bia giúp hạn chế, răn đe những đối tượng có ý định mượn rượu bia để vi phạm pháp luật.

Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM: Nhiều mô hình, biện pháp phòng ngừa

Để hạn chế việc lạm dụng rượu bia, cần thiết nhất là có những quy định cụ thể về việc mua bán rượu bia. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền về nhận thức cho giới trẻ về rượu bia và tác hại của việc lạm dụng rượu bia. Văn hóa sử dụng rượu bia cần phải được “học” trước khi quá muộn.

Với trách nhiệm của mình, Hội LHPN TPHCM đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, thông qua các mô hình tư vấn, hướng dẫn pháp lý để bảo vệ phụ nữ khi gia đình có người nghiện rượu. Chúng tôi đang triển khai kế hoạch thực hiện phấn đấu mỗi chi hội xây dựng một tổ tư vấn cộng đồng. Đến nay đã thành lập được 2.040 tổ với 7.133 thành viên, tư vấn được 17.464 trường hợp về hôn nhân và gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, giải quyết tranh chấp... Mục đích của tổ tư vấn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Chúng tôi cũng gầy dựng nhiều mô hình hỗ trợ chị em phụ nữ. Đến nay, có 719 điểm “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”. Trong những năm qua, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại các quận, huyện đã hỗ trợ tư vấn hòa giải hơn 4.242 trường hợp.

MẠNH HÒA (ghi)

Tin cùng chuyên mục