Chữa dứt bệnh thị trường bất động sản

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản lại nóng lên sùng sục, vì mất thanh khoản, đóng băng, giá cổ phiếu tụt sâu, khiến Chính phủ phải vào cuộc.

Điều này hết sức kỳ lạ, hoàn toàn không ai nghĩ tới, bởi chưa tròn một năm trước là cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm đẩy giá đất lên tận mây xanh; những cơn sốt đất lan rần rần khắp cả nước.

Theo nhiều chuyên gia, đây là điều tất yếu, do nội tại thị trường bất động sản (BĐS) tồn tích nhiều vấn đề bất ổn từ lâu, nay chỉ là thời điểm phát tác “bạo bệnh”. Nguyên nhân đến từ doanh nghiệp và quản lý nhà nước.

Lật lại cơn khủng hoảng trước đây, danh mục “hàng tồn kho”, “nợ phải trả” của các doanh nghiệp BĐS là “bé hạt tiêu” nếu so với hiện tại. Thống kê của năm 2012 từ 26 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, hàng tồn kho chưa tới 40.000 tỷ đồng; cộng lại từ 32 doanh nghiệp về mục “nợ phải trả” là 153.000 tỷ đồng.

Còn nay, báo cáo tài chính từ một doanh nghiệp đứng đầu về BĐS thì các chỉ số đã vượt hẳn: “hàng tồn kho” là 54.600 tỷ đồng, “nợ phải trả” lên tới 201.400 tỷ đồng. Đương nhiên, đi đôi với con số tài chính phình to là dự án tăng trưởng hết cỡ: hơn trăm ngàn căn hộ condotel mọc lên từ các tỉnh ven biển phía Bắc, miền Trung đến đảo Phú Quốc, không cần biết nhu cầu thế nào! Cũng lần đầu thị trường xuất hiện những dự án siêu khủng, có diện tích từ vài trăm hécta đến cả ngàn hécta, không chỉ tại thành phố đông đúc mà cả những vùng đất xa xôi, hoang vắng.

Chưa dừng lại đó, giá nhà ở nhảy múa, liên tiếp lập đỉnh mới: những “căn hộ hàng hiệu” giá hàng triệu USD; 1m² căn hộ lên đến 800 triệu đồng. Thế nhưng, ngược lại những dự án dành cho người thu nhập thấp đã “mất tích”; nguồn cung nhà ở xã hội cũng hết sức nhỏ giọt!

Về phía quản lý nhà nước, thủ tục pháp lý chính là nguyên nhân mà các chủ đầu tư ta thán. Chỉ thống kê tại TPHCM, tính đến nay có trên 300 dự án bị vướng các thủ tục pháp lý. Nhiều chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng kêu ca vì thủ tục khó khăn! Tất cả lý do nêu trên đã khiến thị trường bị thiếu nguồn cung nghiêm trọng, dẫn đến lệch pha cung cầu, khi thị trường chủ yếu là loại nhà ở cao cấp, giá nhà thoát ly khỏi khả năng thanh toán của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị.

Dù vậy, theo các chuyên gia, thị trường rơi vào vòng xoáy khó khăn chính là cơ hội để nhà nước tham gia cùng doanh nghiệp tái cấu trúc. Đối với những dự án đã xây dựng dang dở lâu năm hoặc những khu đất bỏ hoang ở trung tâm thành phố, cần mạnh dạn “thay chủ”, tổ chức bán đấu giá tìm nhà đầu tư mới. Như vậy dự án sẽ sớm được đưa vào sử dụng, bộ mặt đô thị không bị nhếch nhác.

Tiếp đó, thị trường phải được kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy hoạch, nhu cầu đến đâu phê duyệt đến đó, tránh hình thành những khu đô thị hoang, gây tổn hao nguồn lực.

Về tài chính, phải kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, nhất là có giải pháp kiểm soát, để không hình thành những doanh nghiệp phình to nợ nần, như những “bom nợ” gây nguy hiểm cho nền kinh tế.

Về vấn đề pháp lý, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT cần thành lập tổ công tác liên bộ, vào cuộc quyết liệt, thường xuyên giám sát các địa phương để tìm nguyên nhân dự án không được phê duyệt, chỉ rõ trách nhiệm, tránh tình trạng “chuyền bóng qua lại”. Tất nhiên, trong tất cả các giải pháp thì trước hết phải ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân.

Cần thành lập tổ chỉ đạo cấp trung ương đủ thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc ngay lập tức, bố trí đủ vốn để chủ đầu tư và người mua nhà vay. Chương trình phải xuyên suốt, các địa phương đăng ký kế hoạch hàng năm, nếu không hoàn thành sẽ bị phê bình, bởi vì đó chính là trách nhiệm của nhà nước trong vấn đề an sinh xã hội.

Cần có giải pháp tổng thể như vậy mới đảm bảo “thị trường BĐS và nhà ở phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững” như Công điện vừa qua của Thủ tướng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục