Nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh và TP Vinh (Nghệ An) gần 40km, chùa Hương Tích thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh từ lâu đã được xứng danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, là chốn bồng lai tiên cảnh với suối reo, thông hát trong bảng lảng mây vờn, sương khói chập chùng...
Truyền thuyết xưa kể lại, chùa Hương là nơi thờ công chúa Diệu Thiện, con gái út của vua Sở Trang Vương (nước Sở) và ngôi chùa này được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII, dưới thời nhà Trần (có thể đồng thời với chùa Yên Tử - Quảng Ninh) tức là có trước chùa Hương - Hà Nội hàng trăm năm. Năm 1885 trong một trận hỏa hoạn, chùa bị thiêu rụi, sau đó được Tổng đốc An Tĩnh là ông Đào Tấn đứng ra phát động nhân dân xây dựng lại vào năm 1901. Ngày 8-6-1990, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng cấp quốc gia...
Cũng giống như chùa Hương ở Hà Nội, chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) là một quần thể gồm nhiều di tích, miếu cửa rừng, trạm nghỉ Phật Bà, am Giác Phổ, khe Quỷ Khốc, thác Giải Oan, Bãi chợ, chùa Thượng, Nhà thờ tổ, điện Thánh Mẫu, am Diệu Thiện, am Dược Sư, nền Trang Vương, am Bát Cảnh… Ngoài ra còn có Thượng điền (chùa chính), đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Phía sau chùa là vô số tảng đá lớn che chở, làm cho chùa khiêm tốn, ẩn mình hợp với phong cách của nhà Phật. Xung quanh bao bọc bởi nhiều cây cối cổ thụ vươn ra tỏa bóng rêu phong xuống các mái chùa, tạo cho cảnh thêm u tịch, trầm tư, linh thiêng, huyền ảo… Chùa còn có những cảnh sắc tuyệt đẹp liên kết, như động Tiên Nữ 36 cửa vào ra, am Phun Mây, suối Tiên Tắm....
Đối với người dân các tỉnh dọc Trường Sơn như Hà Tĩnh, Nghệ An… từ bao đời nay, chùa Hương Tích luôn được xem như là “Bàn thờ gia tiên”. Và đã trở thành thông lệ, cứ sau mỗi dịp tết đến xuân về là hàng chục ngàn người đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp lại nườm nượp kéo nhau về chùa Hương Tích như hướng về cội nguồn, về với cõi tâm linh để cầu nguyện cho một năm mới quốc thái dân an, gia đình an lành, may mắn… Mùa lễ hội Nhâm Thìn 2012, lần đầu tiên hệ thống cabin cáp treo hiện đại, chiều dài gần 1.000m, với 13/25 cabin (đi từ bên trái đền thờ Miếu Cô lên chùa Hương Tích) được khánh thành và đưa vào sử dụng, nên ngay từ ngày khai hội (mùng 6 Tết âm lịch) dù thời tiết buốt giá, mưa phùn kéo dài nhưng lượng du khách đổ về đây đã tăng lên một cách đột biến. Ông Nguyễn Duy Đức cho biết, các mùa lễ hội trước cao nhất chỉ đạt từ 10 đến 13 vạn người về chùa, thì mùa lễ hội 2012 có đến 20 đến 30 vạn lượt người. Ông Đặng Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, cho biết, điều đáng mừng là đã có cả du khách ở tận Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Bình…
Hiện tại chùa Hương Tích chủ yếu chỉ hoạt động du lịch đầu năm (kéo dài từ dịp Tết Nguyên đán đến hết tháng 2 âm lịch), do đó để phát huy hết tiềm năng, huyện Can Lộc đang lên nhiều phương án điều chỉnh quy hoạch tổng thể, trong đó gắn kết các tour du lịch lữ hành chùa Hương Tích với các điểm du lịch Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, đền Chợ Cũi… (Hà Tĩnh) với Cửa Lò, Khu di tích Kim Liên (Nghệ An); xây dựng khu nhà nghỉ dưỡng; vùng sản xuất nông sản, đồ tế lễ, đồ lưu niệm nhằm để phục vụ du khách tốt nhất.
Dương Quang