(SGGP).– Ngày 22-8, Hội thảo khoa học “Chúa – Bồ tát Nguyễn Phúc Chu và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước” đã được tổ chức tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) và Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đồng tổ chức.
Trong ngày đầu tiên (hội thảo diễn ra ngày 22 và 23-8), gần 30 tham luận và phản biện của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử, chư tôn đức tăng ni xoay quanh các chủ đề: Vấn đề sử học thời các chúa Nguyễn; sự nghiệp của Chúa – Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725). Các tham luận, phản biện đã nêu bật đức độ, tài ba của vị chúa thứ 6 trong 9 đời chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong.
Trong 34 năm cầm quyền, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã kế thừa, vận dụng triết lý sống của Phật giáo trong việc xây dựng chính quyền và đạt được những thành tựu to lớn trong việc mở mang bờ cõi vùng đất rộng lớn trải dài từ Khánh Hòa đến Hà Tiên, vùng Nam bộ, Tây Nguyên, đặc biệt là khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa…
Trước đó, tại tiền sảnh Thư viện Khoa học tổng hợp, ban tổ chức hội thảo đã khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa Phật giáo Đàng Trong” (thế kỷ 17 – thế kỷ 20). Triển lãm trưng bày 450 hiện vật tượng thờ, kinh, sách, đồ sứ, hình ảnh chùa chiền, lăng mộ của các nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trương Ngọc Tường… Triển lãm mở cửa từ ngày 22-8 đến 28-8.
Đ.Hiệp