
Theo cơ quan khí tượng, hôm nay, nắng nóng tiếp tục ở Hà Nội và khu vực Đông Bắc bộ, từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông của tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Lắk và Khánh Hòa. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C (có nơi vượt 38 độ C như ngày 18-7), thời gian nắng nóng gay gắt kéo dài từ 11 giờ đến 17 giờ, khiến nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao và dễ xảy ra các sự cố do quá tải hoặc cháy nổ thiết bị điện.
Sang ngày 20-7, vùng núi phía Tây từ Nghệ An đến Huế, Đà Nẵng, phía Đông tỉnh Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa vẫn tiếp tục hứng nắng nóng, có nơi gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tiếp tục ở mức 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, từ ngày 21-7, nắng nóng ở Trung bộ có thể dịu hơn.
Cơ quan khí tượng cũng báo cáo, hôm qua 18-7, nắng nóng đã xảy ra trên khắp khu vực Bắc bộ, từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, cũng như phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và Khánh Hòa. Hàng loạt nơi vượt mốc 38 độ C, không khí khô rát, oi bức. Hà Nội, Hải Phòng và Huế cũng chìm trong nắng nóng.
Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng gay gắt kéo dài trên diện rộng, đặc biệt tại miền Bắc, hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận mức tiêu thụ cao kỷ lục trong ngày 18-7. Theo số liệu từ Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO - thuộc Bộ Công thương), công suất cực đại của hệ thống điện miền Bắc hôm qua đạt tới 26.998MW, tăng 1.458MW, tương đương 5,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Không chỉ miền Bắc, lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc cũng lập kỷ lục mới khi đạt 1.066,6 triệu kWh, tăng 41,3 triệu kWh, tương đương 4% so với ngày cao điểm cùng kỳ năm 2024. Trong đó, riêng miền Bắc chiếm hơn 50% với sản lượng tiêu thụ lên tới 551,8 triệu kWh, tăng 22,2 triệu kWh so với cùng thời điểm năm trước.
Nguyên nhân chính khiến tiêu thụ điện tăng đột biến là do nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điện tăng mạnh vào các khung giờ có nhiệt độ ngoài trời liên tục vượt ngưỡng 38 đến 40 độ C ở nhiều địa phương.
Theo Tổng cục Khí tượng - thủy văn, khoảng 8 giờ sáng nay 19-7, tâm bão Wipha đã vào khu vực Đông Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025. Một chuyên gia khí tượng nhận định, bão số 3 hút mây khiến nắng nóng được kích hoạt mạnh tại miền Bắc và miền Trung theo quy luật. Trước khi có mưa bão lớn, nắng nóng cực đoan thường xuất hiện.