Chữa rối loạn tâm thần sau mắc Covid-19

Gần đây, các bệnh viện tại TPHCM ghi nhận nhiều vấn đề sức khỏe của người dân sau mắc Covid-19. Đáng lưu ý là số người mắc rối loạn tâm thần có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. 
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn thăm khám cho người bệnh ngày 20-3
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn thăm khám cho người bệnh ngày 20-3

Gia tăng người có vấn đề sức khỏe tâm thần  

Sáng 20-3, tại Khoa Khám bệnh 1, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, có hàng trăm người tới khám bệnh. Cụ bà Ng.T.H. (72 tuổi, ngụ Bình Thạnh) mất gần 10 phút động viên mới nói được con trai bước vào phòng khám bệnh. Anh L.T.V. (40 tuổi, con trai bà) lầm lì giật đứt khẩu trang đeo trên mặt, miệng la lối đòi về.

Bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn phải làm mặt nghiêm: “Bệnh nhân không đeo lại khẩu trang, bác sĩ khám bệnh xong… không cho về nhà nghen”. Bà H. than: “Khổ lắm bác sĩ ơi, thằng V. sau khi mắc Covid-19 cách đây 2 tháng thì có biểu hiện hoang tưởng, mất ngủ. Tôi vét cạn tiền túi, điều trị cho V. mà bệnh không thuyên giảm. Tuần rồi, cháu bắt đầu bỏ ăn, nhiều khi nóng giận thất thường rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Tôi phải chạy qua nhà khác lánh vì trong nhà chỉ có hai mẹ con”.

Còn anh V.T.K. (35 tuổi, ngụ Bình Tân) cho hay, em trai anh ở cùng cha mẹ già ở quận 12, cuối tháng 11, em trai mắc Covid-19, rồi lây cho ba mẹ, phải vào Bệnh viện dã chiến số 13 cách ly điều trị. Điều trị hết bệnh, anh V. L.T. (27 tuổi) tiếp tục được chuyển đến Khoa Nội trú Bệnh viện Tâm thần thành phố với các triệu chứng trầm cảm nặng, có ý định tự sát. Bệnh có thuyên giảm nhưng gần đây do mắc công việc, anh K. không đưa em trai đi khám đúng định kỳ, bệnh tái phát, trở nặng thêm.

Bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, cho biết, từ sau tết đến nay, mỗi ngày Khoa Khám bệnh 1 tiếp nhận 500-800 lượt người đến khám liên quan đến sức khỏe tâm thần. Số liệu cho thấy có 80% là người thành phố, số còn lại thuộc các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Nam bộ.

Qua thăm khám, ghi nhận trong tháng 2 và 3, số người dân mắc các thể bệnh rối nhiễu tâm trí có liên quan đến hậu Covid-19 gia tăng như: F20-F.29 (nhóm bệnh tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác); nhóm F40-F48 (các loại rối loạn lo âu); F31, F32 (rối loạn hưng trầm cảm, rối loạn trầm cảm); F41.2 (rối loạn lo âu và trầm cảm) và nhóm F43.2 (rối loạn thích ứng liên quan tới stress). 

“Qua thăm khám cho người bệnh ở nhóm bệnh lý F.29 và F41.2 cho thấy, 2 tháng đầu năm ghi nhận gần 3.000 ca bệnh mới, trong đó, tỷ lệ người liên quan tới hậu Covid-19 dao động 7%-10%. Đây là nhóm bệnh lý nặng phải được điều trị kịp thời, nếu không dễ dẫn đến người bệnh có tâm lý tuyệt vọng vì thấy mình chữa hoài không hết”, bác sĩ Vũ Kim Hoàn nói.

Cần kịp thời điều trị

 Theo các chuyên gia y tế, có 3 nhóm người đến khám sau khi khỏi bệnh Covid-19. Nhóm 1 là những người từng có vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần đã điều trị khỏi, hiện tái phát do ảnh hưởng của Covid-19. Nhóm 2 là bệnh nhân mới, bị căng thẳng bởi các yếu tố kinh tế, xã hội tác động từ đại dịch như: bế tắc trong cuộc sống do vợ chồng ly hôn, con cái không chăm sóc… Nhóm 3 có người thân là F0 bị mất vì Covid-19. Nhiều bệnh nhân của 3 nhóm cho biết, họ cảm thấy không giống như mình, mất trí nhớ ngắn hạn, lú lẫn, không thể tập trung vào một việc nào đó. Một số người bệnh ở tình trạng sương mù não (một trong những triệu chứng thần kinh) kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi các triệu chứng khác của họ như ho, mệt mỏi hoặc sốt đã biến mất.

Để điều trị tốt cho người bệnh, bác sĩ Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá nguy cơ và can thiệp sớm cho nhóm bệnh nhân này. Đầu tiên cần làm là trấn an, động viên người bệnh. Trong trường hợp người bệnh phải bắt buộc điều trị nội trú, cơ sở y tế nên phối hợp với gia đình thường xuyên gọi điện, nhắn tin để hỏi thăm, an ủi người bệnh. Lúc an ủi cũng cần dùng từ ngữ tế nhị, tránh người bệnh cảm giác bị xa lánh, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương tâm lý. Riêng thuốc điều trị, có thể sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến. Trong đó, nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), gồm các thuốc: sertraline, paroxetine, fluoxetine… Thông thường, khoảng 66% bệnh nhân trầm cảm thấy cải thiện với SSRI. Khi sử dụng SSRI với những người bị trầm cảm sau Covid-19, tỷ lệ này lên tới 91% sau 4 tuần điều trị. 

Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý theo thể trạng và bệnh lý nền để bồi bổ và tăng sức đề kháng. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp hồi phục cơ thể, cải thiện tâm trạng như nhóm các loại rau lá xanh (rau ngót, mồng tơi, bông cải xanh, cải bó xôi, rau dền); nhóm các loại củ quả có màu vàng cam hay đỏ (cà rốt, đu đủ, khoai lang bí, cà chua, dâu tây, trái bơ); nhóm thịt, cá, trứng. 

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn khuyến cáo, người bệnh khi được thăm khám sớm như mắc rối loạn tâm lý sẽ được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Quá trình trị liệu gồm 2 giai đoạn là kiểm soát các triệu chứng và giúp bệnh nhân xây dựng “hàng rào” phòng vệ tâm lý chắc chắn, tái hòa nhập xã hội. Thời gian điều trị tùy mức độ và nhóm bệnh khác nhau. Các tác dụng phụ của thuốc sẽ được liên tục điều chỉnh và kiểm soát khi bệnh nhân đến khám đúng theo lịch hẹn, trao đổi, cập nhật tình hình sức khỏe với bác sĩ. Vấn đề tâm thần có thể hoàn toàn được kiểm soát, ngay cả khi dịch chưa biết khi nào chấm dứt hoàn toàn. Chỉ cần vài tuần nghiêm túc điều trị, bệnh nhân có thể trở về trạng thái tâm lý thoải mái bình thường nhưng vẫn phải tiếp tục kiên nhẫn điều trị và theo dõi để được xây dựng cơ chế phòng vệ tâm lý vững mạnh.

Tin cùng chuyên mục