Tìm kiếm cộng sự để tiến xa
Anh Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc kinh doanh DN T.X chuyên về bán hàng gia dụng qua mạng (đường Hai Bà Trưng, quận 1) chia sẻ rằng, giữa những người đồng sáng lập trong một DN khởi nghiệp thường nhắc tới triết lý sống “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng những cộng sự”.
Chính điều này trở thành khẩu hiệu dành cho các DN nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng. Người ta ví von việc kết nối của những cộng sự cùng sáng lập DN giống như một cuộc hôn phối.
Khi ấy, họ sẽ gắn kết với nhau cùng hướng về một đích đến; cùng hành động, chia sẻ khó khăn, thất bại với nhau; sẵn sàng đi đến tận cùng của những thành công.
Từ lý thuyết đến thực tiễn đều chứng minh một điều rằng, tìm được một hoặc một vài cộng sự cùng hệ giá trị là một yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự thành công của DN.
Thế nhưng, nhìn ở một khía cạnh khác, không ít DN khởi nghiệp thất bại cũng bởi những bất đồng, tranh chấp nội bộ giữa những người đồng sáng lập.
Các ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp được giới thiệu tại một hội chợ nông nghiệp trên địa bàn TPHCM
Chỉ ra một số trường hợp điển hình, anh Phan Đình Tuấn Anh, người sáng lập của Angels 4 Us cho biết, một trường hợp khởi nghiệp điển hình trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Hà Nội là minh chứng sống về câu chuyện nội bộ lục đục, rạn vỡ.
Trước đó, vào những năm đầu thành lập, các thành viên nhóm sáng lập không có sự bàn bạc hay thống nhất gì về các vấn đề góp cổ phần, gồm cách thức đóng, ghi nhận đóng góp… mà chỉ phân chia vai trò công việc. Trách nhiệm thể hiện qua các buổi họp chứ không thể hiện rõ qua biên bản làm việc hoặc giấy tờ.
Đến khi dự án khởi nghiệp bắt đầu nhận được tài trợ từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp quốc tế; đồng thời tình hình kinh doanh có dấu hiệu khả quan cũng là lúc bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Các mâu thuẫn này xoay quanh cách quản trị, điều hành công ty, nhất là việc đối xử với nhân viên.
Thêm nữa, qua nhiều năm làm việc không ngày nghỉ lễ, hy sinh cả việc chăm lo cho gia đình, các mối quan hệ bạn bè, nhưng nay chỉ nhận lại sự đối xử lạnh nhạt của những người từng “nằm gai nếm mật” hình thành nên DN, khiến các sáng lập viên bất mãn.
Vậy nguyên nhân do đâu? Anh Phan Đình Tuấn Anh nhận định rằng, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất chính là việc lựa chọn những người đồng sáng lập đã không được thực hiện kỹ lưỡng, mang yếu tố cảm tính. Bởi những người đồng sáng lập muốn gắn bó với nhau đi đến đích cần phải cùng hệ giá trị. Hệ giá trị đo bằng sự hòa hợp về tính cách, khả năng bổ sung cho nhau về kiến thức, kỹ năng, cùng tầm nhìn và chung mục tiêu.
Do vậy, các nhà khởi nghiệp nên tham vấn những người đã có kinh nghiệm trước khi chọn bạn đồng hành. Thứ hai, các nhà sáng lập đã không có quy ước rõ ràng ngay từ khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Trên thực tế, đây là những người đóng vai trò kết nối chính với nhau, thường tập trung ngay vào ý tưởng triển khai kinh doanh. Việc này dẫn đến giữa họ không tồn tại những thỏa thuận rõ ràng về cách thức triển khai ý tưởng, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng người…
Bảo vệ tài sản vô hình
Các chuyên gia kinh tế, luật sư cũng thông tin rằng, nhiều DN, trong đó có cả những DN tên tuổi vẫn chưa biết cách chủ động bảo vệ “tài sản vô hình” của mình.
Tại một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cho biết, thời gian gần đây số lượng DN trong nước đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tăng đáng kể (khoảng 15% mỗi năm).
Bình quân, đơn vị này nhận được khoảng 4.000 đơn đăng ký, nhưng trong số này chỉ khoảng 10% là của DN Việt Nam. Ngược lại, các DN, cá nhân nước ngoài lên tới 50%; chứng tỏ, nhận thức của DN nước ta chưa cao. Điều này dễ dẫn đến các vụ khiếu kiện liên quan đến tranh chấp thương hiệu, có khi mất trắng thương hiệu vì không đòi được. DN phải đăng ký thì Nhà nước mới có căn cứ bảo hộ.
Tương tự nhận định trên, trọng tài viên Trần Mạnh Hùng (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC), cũng xác nhận rằng, thực tế các DN trong nước, mà đặc biệt là các DN đang chập chững khởi nghiệp, rất ít khi quan tâm đến các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ giá trị tài sản vô hình của DN.
Từ đó, dẫn đến rất nhiều rủi ro. Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Luật phân tích, ý tưởng kinh doanh được triển khai và định hình kết quả cụ thể. Kết quả khởi sinh từ ý tưởng kinh doanh có thể là một sản phẩm, quy trình, tác phẩm, một giải pháp, một dịch vụ cụ thể nào đó mà thị trường đang cần…
Chung quy lại, kết quả hình thành từ ý tưởng kinh doanh được xem là một đối tượng sở hữu trí tuệ. Lúc này nhà khởi nghiệp đã có được sự bảo vệ của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Muốn vậy, nhà khởi nghiệp phải làm các thủ tục cần thiết để xác lập quyền sở hữu trí tuệ của mình trước pháp luật.
Tùy vào sản phẩm, dịch vụ của từng nhà khởi nghiệp mà gắn với các thủ tục khác nhau. Chẳng hạn như thủ tục đăng ký bằng độc quyền sáng chế, thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp hoặc những hành động cần thiết để xác lập cơ chế bảo hộ tự động đối với những bí mật kinh doanh.
“Mặc dù nhà khởi nghiệp có thể đã dựng lên những hàng rào cần thiết để bảo vệ ý tưởng của mình, nhưng nguy cơ bị đánh cắp vẫn luôn tồn tại. Trong trường hợp buộc phải đấu tranh thông qua con đường kiện tụng, tác giả ý tưởng cần những chứng cứ hữu hiệu để chứng minh ý tưởng kinh doanh là của mình. Thế nên, mọi lịch sử liên quan đến ý tưởng cần được lưu trữ nên bắt đầu từ ngày ý tưởng được nhen nhóm đến khi phác thảo, thảo luận để hoàn chỉnh rồi lên kế hoạch thực hiện. Mọi thứ liên quan như ngày giờ, người tham gia, địa điểm, bằng chứng xác thực (giấy tờ, ảnh, video, nhật ký…) cần được lưu lại cẩn trọng. Tất cả chứng cứ mạnh mẽ và hữu hiệu nhất tồn tại trong những gì được lưu giữ”, Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như khuyến cáo.