Chuẩn bị ứng phó bão lũ thất thường và cháy rừng

Ngày 6-4 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành tổng kết công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, đề ra phương án năm 2013, sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

(SGGP).- Ngày 6-4 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành tổng kết công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, đề ra phương án năm 2013, sơ kết 5 năm triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương cho biết, các địa phương, bộ ngành phải chuẩn bị sẵn phương án, tổ chức nhiều đợt diễn tập về di dân phòng tránh và tìm kiếm cứu nạn. Kiểm tra, xử lý ngay các sự cố hồ đập, đê kè phòng chống lụt bão. Khắc phục nhược điểm như đã xảy ra trong năm 2012, trong mùa bão lũ năm nay cần phải tổ chức thông tin cập nhật về bão lũ cho bà con một cách nhanh nhất.

Chiều cùng ngày, theo Sở NN-PTNT Long An, tình hình hạn hán đang vào giai đoạn cao điểm, cộng với nhiều ngày qua không có mưa trái mùa nên hàng chục ngàn hécta rừng tràm ở các huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng… gần như kiệt nước hoàn toàn, nguy cơ xảy ra cháy rất lớn. Ngành nông nghiệp tỉnh yêu cầu lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng các chủ rừng, chính quyền địa phương… tập trung mọi nguồn lực phòng chống cháy rừng, bởi đây là giai đoạn nguy hiểm nhất. Về lâu dài, tỉnh Long An tính toán đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, vừa để trữ nước bổ sung cho những cánh rừng nhằm giảm nguy cơ xảy ra cháy.

Tại An Giang, hầu hết diện tích rừng dọc theo các triền núi ở huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và thị xã Châu Đốc khô kiệt nghiêm trọng. Mối lo lớn nhất của An Giang đang vào mùa lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam, thu hút rất đông khách hành hương từ các nơi về. Dọc các triền núi có nhiều cơ sở thờ tự, am cốc, miếu… nếu người dân vô tình thắp hương, đốt giấy tiền vàng bạc… sẽ dễ gây ra cháy.

Chi cục Kiểm lâm An Giang đã huy động lực lượng chuyên môn hơn 100 người cùng 400 người ở 39 tổ hợp tác bảo vệ rừng để tăng cường canh giữ, phòng cháy. Hàng chục ngàn hécta rừng ở Vườn quốc gia Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng, huyện Hòn Đất… báo động cháy cấp 5. Từ nay đến tháng 5, tỉnh tập trung quyết liệt giữ rừng, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy.  

PHÚC VĂN - AN BÌNH

Tin cùng chuyên mục