Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Theo đó, việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và là thành viên hàng loạt hiệp định thương mại sẽ giúp tạo điều kiện thuận trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa thông qua việc xóa bỏ rào cản thuế quan giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, cùng với thuận lợi này thì rất nhiều rào cản kỹ thuật sẽ được tăng lên. Vượt qua rào cản kỹ thuật được đánh giá là khó hơn rất nhiều lần rào cản thuế quan. Thậm chí, để đạt được những tiêu chí rào cản kỹ thuật, chi phí bỏ ra còn có thể cao hơn cả thuế xuất khẩu. Không chỉ vậy, trường hợp vi phạm rào cản kỹ thuật thì những thiệt hại kinh tế cũng như thương hiệu nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đơn cử hãng ô tô của Đức khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ bị phát hiện vi phạm các tiêu chuẩn khí thải đã bị phạt hơn 50 tỷ USD. Điều này cho thấy đảm bảo yêu cầu của rào cản kỹ thuật rất quan trọng.
Nghiên cứu rào cản thị trường của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn các nước đều công bố sẽ áp dụng theo tiêu chuẩn chung của quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, tại mỗi thị trường còn có những tiêu chuẩn riêng. Do đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, DN còn phải quan tâm đến những tiêu chuẩn riêng của từng thị trường. Một thách thức khác đối với DN Việt Nam là cơ sở hạ tầng chứng nhận tiêu chuẩn nước ta còn kém. Vì thế, DN thường tiêu tốn rất nhiều chi phí để thuê tư vấn và trung tâm chứng nhận độc lập uy tín trên thế giới. Đây sẽ là rào cản lớn nhất làm giảm khả năng cạnh tranh của DN nội trong tương lai nếu thực trạng trên không được cải thiện.
ÁI VÂN