Tại hội thảo góp ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế và Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần chi tiết hóa các điều khoản cũng như thời gian “chuẩn” khi ban hành luật nhằm tránh gây khó khăn, phiền hà cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Luật để áp dụng, không vận dụng
Các ý kiến tham gia góp ý cho các dự án luật nêu trên, đều đồng tình về sự cần thiết sửa đổi luật cũng như những nội dung sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm hội nhập sâu với quốc tế hiện nay. Mặc dù, các luật này cũng mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung cách đây chưa lâu.
Điều khoản “giải thích từ ngữ” và “độ chính” khi ban hành luật được nhiều đại biểu góp ý kiến. “Việc ban hành luật phải song song, cùng thời điểm với nghị định, thông tư hướng dẫn các luật. Tránh những trường như những năm trước, luật ban hành cả thời gian dài nhưng phải dài cổ đợi nghị định, thông tư hướng dẫn khiến việc triển khai thường bị ách tắc. Do đó, trong trường hợp các văn bản hướng dẫn luật chưa có, có thể lùi thời gian công bố, đưa vào áp dụng”, ông Trần Văn Tuấn, một doanh nghiệp may mặc quận Bình Tân đề nghị.
Cơ khí chế tạo ngành mũi nhọn cần được Luật Thuế xuất nhập khẩu tạo điều kiện thuận lợi để phát triển (Ảnh: CAO THĂNG)
Đối với điều khoản về “giải thích từ ngữ” trong luật, nên liệt kê càng nhiều từ, cụm từ để khi áp dụng không bị hiểu lệch, dẫn đến tranh cải hoặc phải đợi xin ý kiến hướng dẫn, gây lãng phí thời gian cũng như gây khó cho người dân. “Tôi đơn cử, trong điều 4 về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cần giải thích từ ngữ thế nào là hàng hóa, sản phẩm, thành phẩm, sản phẩm hoàn chỉnh. Ví dụ, trong Điều 16, khoản 6 dự luật này có nội dung “gia công sản phẩm xuất khẩu” và khoản 7 có nội dung “sản xuất hàng hóa xuất khẩu”. Vậy, cụm từ “hàng hóa” và “sản phẩm” ở đây được hiểu thế nào, có gì khác nhau?, ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch nói: “Luật phải dùng để áp dụng ngay, chứ không phải để vận dụng như một số quan niệm thường hiểu chưa đúng. Không thể một khái niệm, cụm từ trong luật muốn hiểu sao cũng được. Do đó, trong lần sửa đổi lần này, khi giải thích từ ngữ trong luật phải rõ ràng, chi tiết để có thể áp dụng ngay; tránh gây khó khăn cho người dân”.
Đại diện Sở Tư pháp TPHCM cũng cho rằng, ban soạn thảo nên rà soát lại các pháp lệnh quy định vấn đề tương ứng để thống nhất về cách gọi, vụ việc vấn đề. Đồng thời, trước khi ban hành luật, ban soạn thảo nên rà soát lại khâu chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Nếu mọi việc đã sẵn sàng, có thể chọn mốc tháng 9-2016 để trình thông qua, còn không để lùi đến tháng 1-2017, nhằm tránh trường hợp luật ban hành nhưng phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn các điều khoản như lâu nay bị vướng.
Nhiều điểm chưa hợp lý
Hầu hết ý kiến cho rằng, quy định không cho doanh nghiệp hoàn thuế khi chưa góp đủ vốn điều lệ là bất hợp lý. Bởi đây là hai chuyện khác nhau. “Tôi mua máy móc thiết bị thì đã có tính thuế rồi, do đó phải hoàn chứ, để tôi còn lấy tiền đó đi mua sắm cái khác. Đừng đề ra quá nhiều điều kiện, làm khó người dân”, đại diện một doanh nghiệp nêu ý kiến. Hay về thời hạn nộp thuế, quy định cho doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp ưu tiên được 10 ngày là không hợp lý. Vì những doanh nghiệp ưu tiên phần lớn là doanh nghiệp lớn, kim ngạch xuất khẩu cao. Còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu loại hình vừa và nhỏ, kim ngạch thấp, không có lợi thế về vốn và bao tiêu đầu tư như doanh nghiệp FDI. Chưa kể, doanh nghiệp FDI hiện được miễn nhiều khoản, nay còn quy định thêm được ưu tiên chậm nộp thuế, càng như “mọc thêm cánh” để đánh doanh nghiệp nội. Do đó, các đại biểu đề nghị nên xem lại tiêu chí ưu tiên, không nên xét kim ngạch vì doanh nghiệp nội dù có tuân thủ pháp luật tốt bao nhiêu cũng không đạt. Đối với quy định về chậm nộp thuế, dự thảo luật đề xuất tiền phạt từ 0,05%/ngày, xuống còn 0,03%/ngày là phù hợp.
Trường hợp quy định về ô tô 10-16 chỗ chở người, hiện nay thuế 30% sẽ giảm còn 15%, các ý kiến cho rằng, giảm là đúng vì công năng xe loại này lớn. Nhưng giảm một nửa sẽ ảnh hưởng đến các loại xe khác, không tốt cho thị trường. Do đó, có ý kiến đề xuất nên giảm còn 20%. Còn với xe pick-up (bán tải), Thái Lan là nước sản xuất chính, chiếm 50% thị phần loại xe này trên toàn thế giới. Việt Nam nhập khẩu hoàn toàn nhưng hiện đang được dùng như một ô tô du lịch chứ không chở hàng, cũng ảnh hưởng đến dịch chuyển thị trường, do đó nên tăng thêm 15% thuế nhằm cân bằng loại xe.
Nêu ra những vướng mắc trong Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TPHCM Đỗ Phước Tống nêu dẫn chứng, ở điều 10, khoản 5 quy định: “Thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô” chưa rõ ràng. Bởi khái niệm “thành phẩm đến nguyên liệu thô” dễ được hiểu là các sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất nhưng từ một vài chủng loại nguyên vật liệu nào đó. Ví dụ như thép thanh làm từ phôi thép, phôi thép làm từ quặng sắt; các sản phẩm nhựa được sản xuất từ hạt nhựa… Nói chung, chưa phản ánh hết các loại sản phẩm. “Vì thế chúng tôi đề nghị sửa khoản 5 này theo hướng “thuế suất thuế nhập khẩu giảm dần từ sản phẩm hoàn chỉnh đến các bộ phận cấu thành nên nó, từ thành phẩm đến nguyên liệu thô”… Thực tế ngành cơ khí chế tạo đang vướng điều luật này. Do đó, chúng tôi muốn điều luật này phải được các bộ ngành thực thi hoàn chỉnh, chủ yếu là Bộ Tài chính”, ông Tống nói.
LẠC PHONG