Chuẩn hóa luật sẽ giảm “giấy phép con”

Chuẩn hóa luật sẽ giảm “giấy phép con”

Ngày 1-1-2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã chính thức vận hành, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng có hiệu lực. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp đã chuẩn bị gì, điều kiện cần và đủ cho doanh nghiệp bước vào cuộc chơi quốc tế ra sao, những kiến nghị để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra các nước… PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu Công nghiệp TPHCM, xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Bé cho biết, đối với doanh nhân, doanh nghiệp, cơ chế chính sách và pháp luật vừa là nền tảng, vừa là hành lang pháp lý cho mọi hoạt động kinh tế nhằm đảm bảo quá trình vận hành có kỷ cương, trật tự, công bằng, minh bạch, tự do và phù hợp với luật lệ quốc tế. Vào “sân chơi chung” tất nhiên phải thực hiện “luật chơi chung” nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Với quan điểm mới ngày càng rõ nét xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ bằng công cuộc đổi mới thể chế kinh tế và cải cách hành chính nhằm giải phóng sức sản xuất, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong ý nghĩa đó chúng tôi mong có sự đổi mới liên quan đến doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Bé góp ý kiến tại hội nghị của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

* PV: Cụ thể là gì, thưa ông?

* Đổi mới ý thức, sửa đổi thói quen cũ của sự trì trệ. Nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, cải thiện môi trường cạnh tranh và cải cách hành chính, những năm qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19, thể hiện quyết tâm đổi mới thể chế kinh tế bằng các giải pháp cụ thể. Thế nhưng, thực trạng đang diễn ra không như doanh nghiệp mong đợi. Chúng ta không thể không ghi nhận những cải cách cụ thể tích cực của Nhà nước như thực hiện hải quan điện tử trong thông quan, khai thuế qua mạng, doanh nghiệp tự do hoạt động các ngành nghề ngoại trừ 6 ngành nghề cấm, giảm hàng ngàn điều kiện chỉ còn 267 ngành nghề có điều kiện, bãi bỏ chế độ cấp dấu cho doanh nghiệp và thay thế bằng hình thức thông báo con dấu tự chọn… Tuy nhiên, bên cạnh đó lại xuất hiện các văn bản pháp quy dưới luật quy định nhiều dạng “giấy phép con”, “giấy xác nhận”, hình thành cơ chế “xin - cho”, chưa thể hiện tập trung vì mục tiêu đổi mới thể chế kinh tế và cải cách hành chính.

Một cửa, nhưng vẫn còn nhiều… ngách!

* Gần đây Chính phủ đã thực hiện một cửa quốc gia, vậy khi triển khai trên thực tế có giải quyết những bức xúc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không, thưa ông?

* “Cổng quốc gia một cửa, liên thông” hiện nay, ngoài lực lượng hải quan tại chỗ còn có 9 bộ tham gia nhưng nhiều loại phép tắc, giấy xác nhận khi doanh nghiệp thông quan xuất nhập khẩu vẫn còn. Đơn cử như nhập hóa chất, tiền chất thì phải có giấy xác nhận; nhập sắt thép thì phải có giấy kiểm định, giác xác nhận… Thậm chí doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại khu chế xuất cũng phải làm thủ tục trên mặc dù là đơn vị làm hàng gia công xuất khẩu trong khu phi thuế quan.

* Có nghĩa là “giấy phép con” vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay, vậy theo ông, đứng dưới góc nhìn của doanh nghiệp - cần phải cắt bỏ nó như thế nào?

* Nếu cơ quan nhà nước cho rằng các hình thức “giấy phép con”, “giấy xác nhận” vẫn cần thiết trong quản lý, thì phải tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để cấp phép, cấp chứng nhận cho doanh nghiệp qua mạng; các cơ quan nhà nước liên kết thông tin lẫn nhau để nắm thông tin thì thủ tục sẽ nhanh chóng bội phần. Cửa khẩu sẽ trực tiếp nhận thông tin và xử lý thông quan, người dân và doanh nghiệp tiếp nhận thông tin xử lý thuế vụ qua mạng và chữ ký điện tử được áp dụng.

* Dù các cơ quan chưa liên kết thông tin, nhưng phía hải quan đã thực hiện hậu kiểm để đẩy nhanh thủ tục cửa khẩu rồi thưa ông…

* Hậu kiểm là một giải pháp tức thời nhằm thông quan nhanh hàng hóa và tạm nộp thuế tự kê khai. Thế nhưng luật định, nhất là các quy định dưới luật hiện nay chưa là một hệ thống nhất quán và chuẩn hóa. Qua đợt lấy ý kiến tham khảo 64 doanh nghiệp xuất khẩu, đa phần đều cho rằng kiểm tra sau thông quan đều có vấn đề bị làm khó của công chức thi hành công vụ. Làm sao để doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế đúng và đủ cũng là vấn đề. Không thể đòi hỏi doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, tự tra cứu luật trên website, dữ liệu cấp sở hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia trong điều kiện pháp lý mới và cũ đang giao thoa biến động. Doanh nghiệp chỉ cần biết các thủ tục nghiệp vụ cụ thể. Theo tôi, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được cơ quan tác nghiệp niêm yết công khai, minh bạch, rõ ràng và khi làm thủ tục chỉ xin được bổ sung một lần.

Gốc của vấn đề: Cải cách con người!

* Vậy để cải cách hành chính thực sự có ý nghĩa, theo ông nên có giải pháp thế nào?

* Theo lẽ thường, cơ quan quản lý càng muốn dễ làm, dễ quản lý thường ban hành nhiều quy định thắt chặt và điều đó có nghĩa là chuyển phần khó khăn cho doanh nghiệp. Do vậy, cải cách hành chính theo tôi hiểu là làm sao doanh nghiệp hoạt động thông thoáng, thủ tục đơn giản nhanh chóng mà cơ quan quản lý Nhà nước vẫn quản lý được, vẫn kiểm tra, kiểm soát được. Mặc dù thời gian qua ngành hải quan cắt bỏ hơn 22 thủ tục và thời gian thông quan đã nhanh hơn đến phân nửa; ngành thuế cắt bỏ hơn 63 thủ tục, thời gian nộp thuế 500 giờ/năm chỉ còn 100 giờ/năm. Chúng tôi cho rằng vẫn cần nghiên cứu để tiếp tục cắt bỏ các thủ tục, các mẫu mã, các dòng không cần thiết. Giảm một giờ thủ tục là giảm hàng trăm ngàn giờ lao động của doanh nghiệp, giảm một dòng trên mẫu mã là giảm hàng triệu dòng của doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng công cuộc cải cách hành chính thành công sẽ tiết kiệm chi tiêu ngân sách đến 1 tỷ USD.

* Người thực thi công vụ cũng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, vậy theo ông, Nhà nước nên nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật hay đẩy mạnh cải cách con người để nâng trách nhiệm từng cán bộ công chức?

* Mọi thể chế thành bại suy cho cùng đều do tổ chức và con người quyết định. Trong tổ chức phải có người đứng đầu chịu trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm. Nhưng theo tôi, pháp luật phải rõ ràng, chế tài phải nghiêm minh và công bằng đối với cả doanh nghiệp và công chức, viên chức thực thi công vụ. Doanh nghiệp nộp thuế chậm phải bị phạt trả chậm, tương tự việc hoàn thuế chậm của cơ quan thuế cũng phải bị xử phạt tương ứng. Công chức hải quan làm chậm thông quan hàng hóa không có lý do chính đáng, cơ quan hải quan đương nhiên phải đền bù thiệt hại. Mọi khiếu kiện của doanh nghiệp do chưa thỏa đáng được đưa ra tổ chức tham vấn, trọng tài kinh tế, cơ quan tư pháp hoặc tòa án thụ lý là bình thường. Do vậy, cả 2 vấn đề quy định và con người đều là mục tiêu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

* Xin cảm ơn ông!

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục