Trước áp lực sĩ số học sinh không ngừng tăng mỗi năm, các trường phải “căng” mình đảm trách cùng lúc hai nhiệm vụ dạy dỗ và chăm sóc học sinh. Trong khi diện tích đất đai không thể “nở nồi”, phòng học còn thiếu nên yêu cầu đầu tư một sân chơi đạt chuẩn hiện đại, đảm bảo an toàn cho học sinh là cần thiết.
Mỗi nhà mỗi cảnh
Nằm ngay góc ngã tư Lê Thị Hồng - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp TPHCM), Trường Mầm non Anh Đào (phường 17) là một trong những trường có cơ sở vật chất khang trang, diện tích sân chơi lớn, được tổ chức thành nhiều khu đáp ứng nhu cầu từng độ tuổi của học sinh. Cụ thể, ở khu vực các lớp mẫu giáo, học sinh có thể tha hồ chơi đùa trên nền đất xi măng nhám, giúp tăng độ ma sát, giảm thiểu tai nạn khi các em té, ngã. Riêng đối với khu vực nhà trẻ, toàn bộ sân chơi đều được bố trí trên nền đất nâu trồng cỏ.
“Tôi có con trong độ tuổi 18 - 24 tháng nên hiểu rõ ở lứa tuổi này, các em chưa có khả năng làm chủ hành vi vận động của mình, do đó té, ngã trong khi chơi là chuyện thường xảy ra. Vì vậy, nhờ bề mặt tiếp xúc của cỏ mềm, nếu lỡ có té con tôi chỉ việc đứng lên phủi tay là xong, không bị trầy xước, chảy máu chân tay như khi chơi trên nền xi măng nên phụ huynh cũng yên tâm lắm”, chị Thu Trang, phụ huynh đang có con học tại đây cho biết.
Trường Mầm non Anh Đào (phường 17, quận Gò Vấp), một trong những đơn vị có nhiều hình thức sân chơi đa dạng, đáp ứng nhu cầu học sinh.
Không chọn giải pháp trồng cỏ thật, Trường Mầm non 30-4 (quận 1) chọn hình thức lót thảm xốp hoặc mua những thảm cỏ nhân tạo đặt dưới mỗi chân cầu tuột, khu vực trò chơi vận động liên hoàn, đu quay để tăng độ an toàn cho trẻ.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên lớp chồi ở đây cho biết, do mặt cỏ nhân tạo có độ nhám, cỏ rất mềm giúp các bé không bị đau mỗi khi té, ngã. Đây là hình thức sử dụng khá phổ biến ở các trường mầm non có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên đối với khu vực trường công, theo phản ảnh của phụ huynh là không nhiều nơi áp dụng hình thức này do chi phí mua thảm cỏ đắt đỏ. T
hậm chí một số trường ở khu vực hai huyện Hóc Môn và Bình Chánh còn có sân chơi trên nền xi măng lồi lõm, chỉ cần một cú té nhẹ, trẻ rất dễ bị chấn thương, chảy máu. “Không ai muốn học sinh của mình bị chấn thương do té, ngã nhưng trong giới hạn cho phép, chúng tôi chỉ có thể bố trí sân chơi trên nền đất xi măng nhám để giảm thiểu tai nạn các em. Còn việc trang bị thêm các loại thảm xốp, cỏ nhân tạo phải chờ ý kiến từ phòng GD-ĐT, ở trên phải hướng dẫn mua thảm loại nào, mua ở đâu, kinh phí bao nhiêu, trích từ nguồn nào thì trường mới dám thực hiện”, phó hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn quận 12 bày tỏ.
Vẫn nhiều nỗi lo
Trong một lần liên hệ công tác ở Trường Mầm non 6 (quận 3), chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến hình ảnh sân trường - đồng thời cũng là khoảng sân trống duy nhất được “trưng dụng” để bố trí sân khấu, tổ chức các ngày lễ, hội, khu vực kê bàn ăn cho học sinh bán trú đầy vết bùn dơ trên nền gạch men bóng láng.
Nguyên nhân là do trường được thiết kế theo mô hình sân chơi trong nhà, nền gạch men ở khu vực sân chơi liên thông với khu vực các lớp học, chỉ ngăn nhau bằng những hàng rào nhỏ. Ngoài ra, hai bên hông dãy nhà còn một lối đi hẹp được tận dụng để bố trí sân chơi cho trẻ, song không thể cùng lúc đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh.
Chị Thanh Vy, một phụ huynh ở đây cho biết: “Trường nhỏ hẹp đã đành, khoảng sân giữa lại lót gạch men. Bình thường trời khô ráo, phụ huynh được yêu cầu bỏ dép bên ngoài mỗi khi có việc vào trường liên hệ. Nhưng khi trời mưa, nhiều người vô ý mang cả dép đi vào, các cô lao công lau dọn không kịp khiến nền gạch men vừa dơ, vừa trơn láng rất dễ té, ngã”.
Tại khoản 5, Điều 27, chương IV của Quyết định số 05/VBHN-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 13-2-2014, thay thế Điều lệ trường mầm non ban hành ngày 7-4-2008, các trường khi bố trí công trình cần đảm bảo độc lập giữa khối nhóm trẻ, lớp mẫu giáo với khối phục vụ nhưng do nhiều đơn vị trường học hiện nay trên địa bàn TP có diện tích nhỏ hẹp, công trình xây dựng theo kết cấu nhà ở, khu vực lớp học và sân chơi không tách rời nên yêu cầu sân chơi đảm bảo an toàn cho trẻ rất khó thực hiện.
Ngoài ra, tại khoản 5, Điều 8, Chương 2 Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT về quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chỉ quy định hết sức chung chung là: “Khu vực trẻ chơi lát gạch, láng xi măng hoặc trồng thảm cỏ” nên khi áp dụng vào điều kiện thực tế, mỗi nơi một kiểu. Thêm vào đó cũng xảy ra trường hợp nhiều đơn vị do sĩ số học sinh quá tải, sân chơi chính đã có nhưng các trường phải cơi nới, tận dụng thêm những khoảng hiên trong nhà làm chỗ chơi cho học sinh. Điều này dẫn đến tình trạng trong cùng một trường mà khu vực này có sân chơi trải thảm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn, khu vực kia học sinh phải vận động, chơi đùa trên nền gạch men trơn láng có thể gây nguy hiểm đối với học sinh.
Do đó, để sân chơi cho trẻ mầm non thật sự đảm bảo được yêu cầu chất lượng, tăng mức an toàn tuyệt đối đối với trẻ em, cần có thêm những hướng dẫn, bổ sung mới của Bộ GD-ĐT, tránh tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng” như hiện nay.
MINH QUÂN